Tỷ phú bên dòng Đạ Tẻh

Nhắc tới Mỹ Đức, xã vùng xa của huyện Đạ Tẻh, trong ký ức của nhiều người là vùng đất ngập. Và hôm nay, vùng đất ngập ấy đã vươn mình với những vườn cây trái, những người nông dân tỷ phú. Điển hình là một gia đình nông dân đã vượt khó làm giàu từ mảnh đất ngập ven sông.

Anh Phạm Văn Xã bên vườn bưởi da xanh của gia đình

Anh Phạm Văn Xã bên vườn bưởi da xanh của gia đình

Nhắc tới gia đình nông dân tỷ phú Nguyễn Thị Mai - Phạm Văn Xã, ở Thôn 6, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Toàn đánh giá rất cao. Anh chị là một trong những nông hộ trồng trái cây lớn của đất Mỹ Đức, thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đồng thời, anh chị cũng là những người tiên phong xây dựng vùng cây ăn trái ven sông Đạ Tẻh, là điển hình của những người nông dân vượt khó thời đại mới.

Anh chị Nguyễn Thị Mai - Phạm Văn Xã đều là con em của quê hương Hà Tây cũ, theo gia đình vào đất Mỹ Đức sinh sống. Sinh năm 1970, vào Đạ Tẻh năm 1984, anh Xã còn nhớ như in cuộc sống vất vả của gia đình. Anh bảo, những năm tám mấy chín mươi, có năm nào sông Đạ Tẻh không dâng nước, ngập trắng hết vùng ven sông. Bà con Mỹ Đức chỉ trồng cấy được những loại cây ngắn ngày, bắp, lúa nước chứ trồng cây lớn, nước lên là chết hết. Vậy nên cái nghèo dai dẳng mãi. Chị Mai cũng bùi ngùi nhớ lại, khi cưới nhau, sinh con đầu lòng, trong nhà cũng không có gì để mẹ con được ăn ngon. Mãi tới khi đập được xây dựng, dòng Đạ Tẻh không còn dâng nước mỗi năm, người Mỹ Đức mới vững chân trên đất mới. Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì vẫn bao đời là trăn trở của người nông dân.

Ngắm vườn bưởi, vườn sầu riêng trĩu trái, anh Phạm Văn Xã nhắc lại cơ duyên của gia đình với trái cây, nhất là cây bưởi. Anh kể lại, khoảng năm 2003 - 2004, khi anh còn đang trăn trở tìm hướng chuyển đổi cây trồng thay cho cây lúa, giữa một buổi trưa nằm võng, anh chợt nghe câu hát về bưởi Biên Hòa. Và người nông dân đã bật ra ý nghĩ, nông dân Biên Hòa trồng bưởi ven sông, mình cũng đất ven sông, sao không thử trồng bưởi. Nghĩ là làm, anh xuống tận Đồng Nai, tìm đúng giống bưởi da xanh mua về trồng thử nghiệm. Hợp đất, được người chăm sóc, lứa bưởi ban đầu kết trái và ngay từ khi ăn múi đầu tiên, anh Xã đã biết mình thành công. Bưởi da xanh hợp đất ven sông Đạ Tẻh, trái to, ngọt đậm, không the, không đắng. Vậy là anh tích cực nhân giống bưởi ra với diện tích 4 ha. Anh Xã cũng nhận xét, cây bưởi rất thích hợp với thổ nhưỡng Mỹ Đức, đầu tư thấp, cho trái nhanh, phù hợp với nông dân bắt đầu chuyển đổi sang trái cây. Với thời gian cho trái khá nhanh, thị trường mở rộng, cây bưởi là một trong những giống cây rất hiệu quả.

Có cây bưởi là khởi đầu tốt, anh Phạm Văn Xã tiếp tục tìm cây trồng hợp đất. Xưa đất ven sông thấp, dễ ngập nên không ai dám trồng sầu riêng, thứ cây rất kén chân đất, úng ngập là chết, đồng thời lâu ra trái. Anh Xã cũng là người mạnh dạn, tiên phong xuống giống những gốc sầu riêng trên đất vườn. Rút kinh nghiệm từ nông dân các vùng trong huyện, anh chọn giống chuẩn ngay từ khi xuống giống, chủ yếu là hai giống Monthon và Ri6. Vừa trồng vừa học hỏi kiến thức chăm sầu riêng, anh Xã rút kinh nghiệm ngay trên vườn nhà. Có cây chết, có cây sống nhưng đất hôm nay, anh đã có 6 ha sầu riêng, hầu hết đang cho trái. Tới mùa tháng 6, tháng 7, hương sầu riêng thơm nức, thương lái về vườn cắt hàng tấn trái sầu riêng mỗi ngày, mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình.

“Là nông dân nên tôi gắn bó với đất, tiền cũng chủ yếu dành cho phát triển nông nghiệp, mua đất, trồng cây”, anh Phạm Văn Xã chia sẻ. Ngoài 10 ha cây ăn trái gồm bưởi, sầu riêng, gia đình anh chị Nguyễn Thị Mai - Phạm Văn Xã còn mua và trồng 30 ha cao su. Đất Đạ Tẻh cũng hợp với cây cao su nên mỗi năm, anh chị cũng thu hàng chục tấn mủ chất lượng tốt, giá ổn định. Tổng thu nhập của gia đình, như chị Nguyễn Thị Mai cho biết, tính tới số hàng tỷ đồng lợi nhuận. Có thu nhập tốt, anh chị không dừng lại ở việc chăm lo cho gia đình nhỏ mà còn là nông dân tích cực với cộng đồng. Anh Xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, trồng sầu riêng cho bà con. Anh còn tham gia vận động, thành lập HTX Trái cây xã Mỹ Đức, tập trung những thành viên trồng trái cây thành tập thể mạnh để chia sẻ thông tin, xây dựng thương hiệu, cùng nhau làm giàu từ mảnh đất ngập ven sông.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202210/ty-phu-ben-dong-da-teh-3141395/