Tỷ phú công nghệ Jensen Huang: Từ số 0 tới người giàu thứ 13 TG
Trong lịch sử của ngành công nghệ, có rất nhiều câu chuyện về sự kiên trì và vượt qua thử thách nhưng ít ai có thể so sánh với hành trình của Jensen Huang, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA.
Dưới thời nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA., JGPU của Nvidia đã trở nên thống trị đầu tiên trong lĩnh vực trò chơi máy tính và hiện nay là AI, đưa vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 3 nghìn tỷ đô la vào năm 2024.
Hành trình từ con số không đến đỉnh cao công nghệ của NVIDIA
Năm 1993, trong một căn phòng nhỏ tại Thung lũng Silicon, ông Jensen Huang cùng hai cộng sự Chris Malachowsky và Curtis Priem thành lập NVIDIA với tham vọng tạo ra các bộ xử lý đồ họa đột phá. Ban đầu, mục tiêu của họ rất rõ ràng: tập trung vào thị trường game, nơi nhu cầu về đồ họa chất lượng cao đang tăng mạnh. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng công ty nhỏ bé này sẽ trở thành một đế chế công nghệ toàn cầu, định hình cả ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI).
Sản phẩm đầu tiên của NVIDIA, NV1, ra mắt vào năm 1995. Dù chưa thật sự thành công, NV1 đã giúp công ty tạo dựng tên tuổi trên thị trường công nghệ. Chỉ hai năm sau, NVIDIA giới thiệu RIVA 128, một bước tiến lớn trong lĩnh vực xử lý đồ họa, đưa công ty trở thành một đối thủ đáng gờm.
Bước ngoặt quan trọng xảy ra vào năm 1999 khi NVIDIA tung ra GeForce 256, sản phẩm được coi là GPU (bộ xử lý đồ họa) đầu tiên trên thế giới. GeForce 256 không chỉ nâng cấp trải nghiệm chơi game mà còn đánh dấu sự khởi đầu cho các ứng dụng đồ họa hiệu suất cao trong nhiều lĩnh vực khác.
Sau thành công ban đầu, NVIDIA tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động. Năm 2000, họ ký hợp đồng cung cấp phần cứng đồ họa cho máy chơi game Xbox của Microsoft. Tuy nhiên, bước tiến thực sự mang tính chiến lược là sự ra đời của CUDA vào năm 2006.
CUDA, nền tảng điện toán song song, cho phép các nhà phát triển tận dụng sức mạnh của GPU không chỉ cho đồ họa mà còn cho các tác vụ tính toán phức tạp. Đây là nền móng giúp NVIDIA tiến sâu vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và học sâu – những công nghệ đã định hình tương lai.
Trí tuệ nhân tạo: Lựa chọn táo bạo của tỷ phú "khác người"
Ông Jensen Huang nhanh chóng nhận ra tiềm năng của AI và quyết định đặt cược lớn vào lĩnh vực này. Đầu những năm 2000, AI chưa được nhà khoa học máy tính ưa chuộng. Tuy nhiên, Huang và các kỹ sư tin rằng mạng thần kinh sẽ cách mạng hóa xã hội và một lần nữa nhanh chóng hành động, dốc toàn lực.
Nvidia chuyển từ doanh nghiệp đồ họa sang tập trung vào phần cứng cho các ứng dụng AI. Năm 2016, Huang tự tay bàn giao siêu máy tính AI đầu tiên cho OpenAI, và năm 2017, các nhà nghiên cứu bắt đầu phát triển thứ sau này trở thành ChatGPT. Sau khi ChatGPT phát hành, sự quan tâm đến phần cứng Nvidia trở nên vô cùng lớn.
Năm 2016, NVIDIA ra mắt kiến trúc Pascal và GPU Tesla P100, đưa công ty trở thành trung tâm của các ứng dụng AI. Từ đây, NVIDIA không còn chỉ là công ty sản xuất chip đồ họa mà đã trở thành một biểu tượng của công nghệ AI.
Những năm sau đó, NVIDIA tiếp tục củng cố vị thế của mình với các sản phẩm như GPU A100, ra mắt năm 2020, được xây dựng trên kiến trúc Ampere. Những sản phẩm này trở thành xương sống của hàng loạt ứng dụng AI, từ xe tự hành, y tế, đến nghiên cứu khoa học.
Đến năm 2024, giá trị vốn hóa thị trường của NVIDIA vượt 3.300 tỷ USD, đưa công ty trở thành một trong những tập đoàn công nghệ giá trị nhất thế giới. Jensen Huang không chỉ được coi là nhà lãnh đạo tài ba mà còn là một nhà cách mạng trong ngành công nghiệp.
NVIDIA không chỉ thành công ở Mỹ mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, vào tháng 12/2024, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Từ một startup nhỏ với số vốn ít ỏi, NVIDIA đã vươn lên thành gã khổng lồ nhờ tầm nhìn chiến lược, tinh thần đổi mới không ngừng và khả năng thích ứng với xu thế công nghệ. Câu chuyện của NVIDIA và cuộc đời của người dẫn dắt “đế chế” này là một minh chứng sống động rằng, với sự kiên trì và sáng tạo, không có giới hạn nào là không thể vượt qua.
Tuổi thơ đầy gian khó, từng là phục vụ nhà hàng
Sinh ngày 17 tháng 2 năm 1963 tại Đài Bắc, Đài Loan, Jensen Huang có một tuổi thơ không mấy êm ả. Gia đình ông không giàu có, và cuộc sống càng khó khăn hơn khi họ chuyển tới Thái Lan. Tuổi thơ của Jensen bị gián đoạn bởi những bất ổn kinh tế và xã hội. Cha mẹ ông, với mong muốn con cái có tương lai tươi sáng hơn, đã gửi Jensen cùng anh trai tới Mỹ vào năm 1973 khi ông mới 10 tuổi.
Tại Mỹ, gia đình Huang định cư ở Kentucky, một khu vực khá xa lạ với người nhập cư châu Á. Là một cậu bé không rành tiếng Anh, Jensen phải vật lộn để hòa nhập với môi trường mới. Những năm tháng ấy, ông đã nhận ra rằng làm việc chăm chỉ là cách duy nhất để tồn tại và vươn lên. Ông bắt đầu làm các công việc lao động như rửa chén, phục vụ tại nhà hàng để phụ giúp gia đình. Dù khó khăn, chính những trải nghiệm này đã hình thành nên tinh thần kỷ luật và khả năng vượt qua nghịch cảnh của Jensen.
Sau những năm tháng học phổ thông đầy thử thách, Jensen đã bước vào con đường học vấn chuyên sâu. Ông theo học ngành kỹ sư điện tại Đại học bang Oregon và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân. Chính tại đây, ông bắt đầu thể hiện năng lực vượt trội trong các môn học về công nghệ và kỹ thuật. Jensen không chỉ học để đạt điểm cao, mà còn dành thời gian tìm hiểu sâu về các xu hướng công nghệ mới.
Cũng trong thời gian học đại học này, ông đã gặp gỡ định mệnh đời mình là bà Lori Mills, người sau này đồng hành cả đời cùng ông. Sau khi tốt nghiệp, Jensen tiếp tục theo đuổi bằng thạc sĩ tại Đại học Stanford, một trong những trung tâm nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới. Thời gian ở Stanford không chỉ giúp ông tích lũy kiến thức chuyên môn mà còn mở rộng tầm nhìn về tiềm năng của công nghệ bán dẫn. Những bài giảng, dự án nghiên cứu tại đây đã giúp ông định hình ý tưởng về tương lai của đồ họa máy tính.
Là nhà sáng lập và CEO tài ba của NVIDIA, biểu tượng công nghệ với tầm nhìn chiến lược, nhưng Jensen Huang cũng nổi tiếng với phong cách tối giản, đặc biệt là chiếc áo khoác da đen “huyền thoại”. Suốt hai thập kỷ qua, hình ảnh ông gắn liền với trang phục này. Chiếc áo khoác da đen không chỉ là biểu tượng cá nhân của Jensen Huang mà còn trở thành một dấu ấn quen thuộc trong mắt công chúng. Theo ông, việc trung thành với những món đồ quen thuộc giúp tiết kiệm thời gian và tập trung hơn vào công việc, tương tự như phong cách của Steve Jobs hay Mark Zuckerberg.
Tinh thần học tập suốt đời – chìa khóa thành công
Vào tháng 12 năm 2024, ông Jensen Huang đã được trao Giải thưởng Chính VinFuture 2024 vì những đóng góp đột phá trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu và tiên phong phát triển các nền tảng điện toán tăng tốc, mở ra kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại.
Là một doanh nhân thành công, đồng thời cũng được vinh danh ở giải thưởng khoa học và uy tín hàng đầu, khi được hỏi làm thế nào để dung hòa giữa hai vai trò này, ông Jensen Huang đã nói, cốt lõi chính là khả năng suy luận dựa trên các nguyên lý cơ bản, cùng với tinh thần học hỏi không ngừng. Khoa học và kinh doanh có nhiều điểm chung, chẳng hạn như đều yêu cầu thử nghiệm, cải tiến và đổi mới liên tục.
“Điều quan trọng nhất không phải là học một lĩnh vực cụ thể, mà là học cách học. Tinh thần học tập suốt đời chính là chìa khóa giúp tôi đạt được thành công như ngày hôm nay”, ông chia sẻ.
Theo ông, không có gì đảm bảo rằng mọi ý tưởng khoa học đều có thể thương mại hóa thành công. Tuy nhiên, cốt lõi của mọi thành công chính là khả năng thấu hiểu nhu cầu của người khác. Nếu bạn có thể đồng cảm với nhu cầu của cộng đồng, bạn sẽ tạo ra những sản phẩm và giải pháp được đón nhận. Trong kinh doanh, cũng như trong khoa học, tất cả đều bắt nguồn từ tinh thần yêu thương và phụng sự.
Chia sẻ về làm sao để hạn chế rủi ro từ AI, ông cho biết, điều đầu tiên nên làm là xây dựng công nghệ tốt hơn. Và các nhà nghiên cứu AI trên toàn thế giới đang làm việc hăng say để cải thiện độ chính xác, khả năng lý luận, sự liên kết của AI với các giá trị cốt lõi của con người.
Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng AI chỉ làm đúng những công việc mà nó được thiết kế, và không được sử dụng sai mục đích. Ví dụ, một AI được thiết kế để phát triển chip không nên được dùng cho việc kế toán hay marketing. Hệ sinh thái AI trong tương lai cần có nhiều công cụ giám sát, nơi một AI được bao quanh bởi các AI khác để đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ.
Ông cũng cho biết, không nên lo ngại về việc AI sẽ thay thế con người hoàn toàn. AI có thể đảm nhiệm khoảng 80% tác vụ trong một công việc, nhưng không phải là toàn bộ. Lý do rất đơn giản: có những yếu tố mà AI không bao giờ có được, như sự đồng cảm, lòng tốt hay khát vọng – những điều cốt lõi tạo nên giá trị của con người.
Vì vậy, thay vì lo ngại AI sẽ “cướp” mất công việc của mình, chúng ta nên tập trung học cách sử dụng AI để tăng năng suất lao động. Một thực tế là: AI không lấy đi công việc của bạn, nhưng một người khác biết cách tận dụng AI thì có thể làm điều đó.
Theo mô tả của nhân viên Nvidia trong cuốn The Nvidia Way của nhà báo công nghệ kỳ cựu Tae Kim, CEO Jensen Huang là nhà lãnh đạo "rất thuyết phục và làm việc cực kỳ chăm chỉ". Trong văn hóa The Nvidia Way, đầu tiên là tuyển dụng người giỏi nhất. Theo ông Huang, nếu phân vân, hãy chọn tài năng thô thay vì kinh nghiệm. Khi làm việc, nên thưởng cho hiệu suất và trả lương cao cho những người giỏi. Tuy nhiên, họ cũng được yêu cầu phải thực sự xuất sắc và trách nhiệm mọi lúc.
Triết lý tuyển dụng của CEO Jensen Huang là: “Những ý tưởng tuyệt vời có thể đến từ bất cứ ai, ở bất cứ đâu. Do đó, hãy tạo ra một môi trường nơi những ý tưởng đó có thể phát triển”.
Cho đến nay, Nvidia, gã khổng lồ trong ngành sản xuất chip, đang trở thành cái tên sáng giá nhất tại Thung lũng Silicon. Với vốn hóa hơn 3.000 tỷ USD, giá cổ phiếu tăng vọt và mức lương cao ngất ngưởng, hãng chip trở thành “bến đỗ” được hàng nghìn kỹ sư và chuyên gia công nghệ thèm muốn.
Đi từ 42 nhân viên khi thành lập, Nvidia hiện có hơn 30.000 nhân sự và là công ty được yêu thích nhất khi ứng viên tìm việc. Thống kê cho thấy một nửa nhân viên tại đây kiếm được hơn 228.000 USD/năm vào năm 2023. Mức lương cơ bản dao động từ 144.000-414.000 USD. Nhiều vai trò đòi hỏi ứng viên phải có bằng tiến sĩ cũng như thành thạo nhiều ngôn ngữ lập trình.