Tỷ phú Mỹ đâm đơn kiện sau khi mắc kẹt 10 phút trong thang máy

Chi hàng triệu USD để biến khu đất đối diện biệt thự thành gara khổng lồ chứa bộ sưu tập xe hơi, Palmer Luckey bức xúc khi thang máy gara liên tục bị lỗi và hoạt động chậm chạp.

 Palmer Luckey mắc kẹt trong thang máy gara 10 phút.

Palmer Luckey mắc kẹt trong thang máy gara 10 phút.

Hồi tháng 2, tỷ phú Palmer Luckey - người sáng lập và CEO của công ty công nghệ quốc phòng Anduril Industries - đã đệ đơn kiện lên Tòa án cấp cao Quận Cam (ở California, Mỹ) chống lại đơn vị xây dựng thang máy Custom Cabs và công ty xây dựng WT Durant.

Lý do Luckey đâm đơn kiện là ông đã bị mắc kẹt trong thang máy gara 10 phút khi hệ thống thang máy và sàn nâng bị lỗi, Forbes đưa tin hôm 22/7.

"Thang máy dành cho khách dừng lại giữa chừng và ông Luckey cùng một nhân viên đã bị kẹt bên trong hơn 10 phút", luật sư của Luckey, David Peck cho biết.

Luật sư nói thêm nhiều người khác cũng bị kẹt trong loại thang máy được thiết kế để đưa ôtô từ tầng hầm lên mái nhà. "Những chiếc thang này là trái tim của ngôi nhà, đưa xe lên các tầng khác nhau nơi chúng được đỗ… Đó là toàn bộ mục đích của ngôi nhà này".

Luckey tuyên bố trong vụ kiện của mình rằng bất động sản này "không thể ở hay sử dụng được" và rằng ông đã phải chịu thiệt hại hàng triệu USD. "Thang máy chở khách và thang nâng được lắp đặt trong nhà chưa bao giờ hoạt động bình thường. Thang máy đã nhiều lần dừng lại giữa chừng mà không có cảnh báo, khiến những người ở bên trong bị kẹt", đơn kiện nêu rõ.

 Palmer Luckey mua khu đất đối diện nhà riêng để cải tạo thành gara khổng lồ.

Palmer Luckey mua khu đất đối diện nhà riêng để cải tạo thành gara khổng lồ.

Custom Cabs, công ty đã xây dựng thang máy cho Francis Ford Coppola và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, hiện "phủ nhận mọi cáo buộc của Luckey và đã đệ đơn xin bác bỏ các khiếu nại kể từ khi nhận được khiếu nại của ông". Luật sư của nhà phát triển, WT Durant, cho biết họ đã làm việc với Luckey trong một số dự án trước đó và đã hoàn thành hợp đồng với bất động sản này.

Forbes ước tính Luckey có giá trị tài sản ròng 2,3 tỷ USD sau khi bán công ty thiết bị thực tế ảo Oculus cho Facebook vào năm 2014 và thành lập công ty khởi nghiệp quốc phòng Anduril vào năm 2016. Anduril được cho là đã tìm kiếm mức định giá 14 tỷ USD vào tháng 5.

Năm 2017, tỷ phú đã mua bất động sản đối diện căn biệt thự của mình ở Newport Beach, California với giá 3,8 triệu USD. Theo hồ sơ của thành phố, vào tháng 8/2018, Luckey đã nộp đơn xin giấy phép phá dỡ ngôi nhà 4 phòng ngủ, để cải tạo thành gara khổng lồ. Tháng 7/2020, Sở Xây dựng của Thành phố Newport Beach đã phê duyệt dự án.

Luật sư Peck cho biết trong hồ sơ nộp lên tòa án: "Mục đích chính của nơi này là để chứa bộ sưu tập ôtô của nguyên đơn và có thang nâng cắt kéo để di chuyển những chiếc xe đó xung quanh tòa nhà nhiều tầng".

Luckey có một bộ sưu tập xe đồ sộ và căn biệt thự trị giá 12,5 triệu USD của ông không thể chứa hết. Tỷ phú này cho biết ông sở hữu chiếc Ford Mustang đời 1969, Humvee và xe Disneyland đời 1967 đã bị hỏng trong cuộc phỏng vấn của ông với Bloomberg vào tháng 5. Ngoài ra, ông còn có chiếc Honda Insight đời 2001, bộ sưu tập trực thăng, tàu cao tốc...

 Palmer Luckey đã bán công ty Oculus cho Facebook vào năm 2014.

Palmer Luckey đã bán công ty Oculus cho Facebook vào năm 2014.

Các thanh tra thành phố đã ký xác nhận tòa nhà sẽ hoàn thành vào tháng 8/2023. Nhưng Luckey tuyên bố rằng công ty xây dựng WT Durant và đơn vị cung cấp thang máy Custom Cabs đã không thực hiện theo đúng hợp đồng.

Tỷ phú này đã trang bị cho bất động sản một thang máy tròn ở trung tâm và 4 thang nâng cắt kéo khác được thiết kế để vận chuyển bộ sưu tập xe hơi của ông giữa các tầng khác nhau của tòa nhà. Luckey tuyên bố trong vụ kiện rằng các thang máy này không an toàn, quá chậm và được đặt hàng từ một nhà bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc, mặc dù hợp đồng của ông với công ty đã nêu rõ rằng chúng phải được chế tạo riêng. Peck nói với Forbes rằng Luckey đã phải trả hàng trăm nghìn USD cho các thang máy sẵn có trên thị trường.

Luckey không phải tỷ phú duy nhất đâm đơn kiện đơn vị xây dựng. Sam Altman, CEO Open AI, đã bị lừa mua một "căn nhà tồi tàn" với giá 27 triệu USD. Bể bơi vô cực gây ngập trong khi hệ thống ống nước thải không hoạt động đúng cách.

Chủ sở hữu bất động sản đã đệ đơn kiện lên Tòa án cấp cao San Francisco vào ngày 12/7, cáo buộc Troon Pacific và CEO Greg Malin thực hiện kế hoạch gian lận để bán một ngôi nhà "có nhiều khiếm khuyết" cho khách hàng. Vụ kiện tuyên bố rằng chi phí sửa chữa tài sản sẽ vượt quá 4 triệu USD.

Troon Pacific và Malin cũng đã nhiều lần bị kiện vì gian lận trong quá trình bán nhà. Công ty này bị buộc phải trả lại 48,1 triệu USD cho các nhà đầu tư tài trợ tiền cải tạo và bán 4 bất động sản sang trọng trong thành phố. Chỉ có 2 ngôi nhà được hoàn thành, trong khi Malin và công ty của ông kiếm được hàng triệu USD tiền phí.

Lê Vy

Ảnh: CNN, VF

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ty-phu-my-dam-don-kien-sau-khi-mac-ket-10-phut-trong-thang-may-post1487728.html