Tỷ phú Nga giàu nhất Silicon Valley tự cô lập bản thân với quê nhà
Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt dành cho Nga đang khiến những nhà đầu tư Nga nổi tiếng như Yuri Milner đứng trước nhiều rủi ro lớn.
Từ đầu những năm 2010, nhận được lời mời đến nhà của Yuri Milner ở Los Altos, Calif, đồng nghĩa với việc bạn đã nằm trong vòng tròn quan hệ chọn lọc nhất của Thung lũng Silicon.
Yuri Milner nổi tiếng với những khoản đầu tư vào Airbnb, Alibaba, Twitter, Facebook và nhiều startup khác. Ông cũng là người ủng hộ khoa học.
Bên cạnh đó, Milner là một người Nga cực kỳ giàu có, bắt đầu sự nghiệp đầu tư mạo hiểm của mình với sự giúp đỡ từ Alisher Usmanov, một ông trùm kim loại gốc Uzbekistan thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mảng kinh doanh của Milner, đầu tư vào các startup công nghệ giai đoạn đầu, khác với cách kiếm tiền của phần lớn tài phiệt Nga là mua lại các tài sản nhà nước với giá rẻ mạt. Các nguồn thu từ Alisher Usmanov và nhà băng quốc doanh VTB Bank của Milner đến trong giai đoạn ông Dmitry Medvedev làm Tổng thống Nga. Đây cũng là giai đoạn mà Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi "khởi động lại" mối quan hệ Nga – Mỹ.
Thế nhưng, hiện tại, khi Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine và Usmanov cùng VTB Bank đang nằm trong danh sách cấm vận, ông Milner trở lại thế phòng thủ. "Tôi không thể quay lại và thay đổi lịch sử", ông nói với Bloomberg. "Tôi không thể thay đổi rằng thực tế tôi sinh ra ở Nga và chúng tôi có một số nguồn thu từ Nga".
Ông Milner tại sự kiện TechCrunch Disrupt vào năm 2010. (Ảnh: Bloomberg).
Quỹ phi lợi nhuận Breakthrough Prize Foundation và công ty đầu tư mạo hiểm DST Global của Milner đều đã phát đi thông điệp phản đối "xung đột Nga và Ukraine". Trong thông báo của Breakthrough Prize Foundation, Chủ tịch Pete Worden, thậm chí nói rằng các xung đột mà Nga gây ra là "vô cớ" và "tàn bạo với những người dân thường". Milner và các tổ chức của ông đã cam kết tài trợ 14,5 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo.
Ngay cả thế, ông Milner cũng cực kỳ thận trọng khi phát ngôn về xung đột tại Ukraine. Ông từ chối chia sẻ quan điểm về Tổng thống Putin. Thay vào đó, ông dẫn lại các phát ngôn chính thức của công ty đồng thời gọi xung đột là "một bi kịch đau lòng". Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Milner chia sẻ một tấm hình gia đình đen trắng chụp vào khoảng năm 1970.
Trong tấm hình này, Milner là một cậu bé cùng gia đình đang ở Zaporizhzhya, Ukraine, nơi họ thường tận hưởng nhiều mùa hè cùng gia đình của cha ông. Nhiều ngày trước đó, ông Milner và cậu mình đã giúp sơ tán một người bạn của gia đình, một người phụ nữ lớn tuổi, khỏi Cherkasy. Chồng cô nhất định không rời đi. "Tôi hoàn toàn ủng hộ các tuyên bố của DST Global và Breakthrough Prize Foundation", ông chia sẻ.
Yuri Milner (đội mũ len) trong một tấm hình chụp tại Ukraine. (Ảnh: Yuri Milner).
Yuri Milner đang ở trong một tình thế bấp bênh. Một số vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Thung lũng Silicon từ lâu đã có nguồn gốc không rõ ràng. Và với xung đội Nga – Ukraine, Nga đang khiến Phương Tây tức giận, Ayako Yasuda, giáo sư tài chính tại Đại học California, nói. "Startup có lý do để lo lắng khi nhận tiền đầu tư từ DST", bà nói thêm.
Những rủi ro mà Milner có thể vướng vào khiến startup có khả năng từ chối các khoản đầu tư từ DST. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có thể sẽ do dự trong việc góp tiền với DST ở đợt gọi vốn tiếp theo. Hoạt động thiện nguyện của ông Milner, điển hình là các giải thưởng cho khoa học, như Breakthrough Prize, cũng có thể để mất hình ảnh của mình. Dù vậy, ông Milner tỏ ra không quá lo lắng.
"Sự thật đứng về phía chúng tôi", ông Milner chia sẻ và nói rằng DST từ lâu đứng ngoài lợi ích của Nga. Ông Milner hiện có quốc tịch Nga và Israel. Ông đang sống ở Mỹ với visa O-1, loại visa được cấp cho các đối tượng "có khả năng xuất chúng". Ông từng dành 100 triệu USD để mua bất động sản ở Los Altos vào năm 2011 và hiện coi Mỹ là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Milner nói thêm rằng DST đã không nhận tiền từ Nga từ năm 2011 khi nó kêu gọi quỹ 900 triệu USD, đồng thời không thực hiện đầu tư tại Nga. Ông nói thêm rằng ông không gặp mặt Usmanov trong 5 năm qua và không trở lại Nga trong suốt 8 năm.
Để đưa ra bằng chứng về việc không nắm giữ vốn từ Nga, ông Milner chia sẻ một lá thư ngày 19/3 từ giám đốc tài chính Kenneth Leung trong đó đưa ra các vấn đề mà DST đang thực hiện để tuân thủ quy định "hiểu về khách hàng" (KYC) của ngân hàng và các quy định phòng chống rửa tiền. "Nếu ông ấy nói dối, ông ấy sẽ phải đi tù".
DST hiện đang trong quá trình đầu tư nhiều thương vụ, ông chia sẻ. Do đã gọi được quỹ thứ 9 trị giá 4 tỷ USD vào năm 2021, DST không cần gọi thêm vốn trong khoảng 1 – 2 năm tới và Milner tin rằng các nhà đầu tư của ông vẫn rất trung thành. Một số nhà đầu tư rời DST vài năm trở lại đây song không liên quan đến chính trị mà do ông nâng mức phí lên 25% lợi nhuận từ con số 20% vào năm 2018.
Milner có nhiều người ủng hộ quyền lực. "Yuri Milner là một người bạn và đối tác quý của tôi, công ty chúng tôi và nhiều công ty công nghệ mới của Mỹ suốt gần 2 thập niên", Marc Andressen, một thành viên hội đồng của Meta, chia sẻ trên Twitter hôm 1/3. Max Levchin, CEO người Ukraine của Affirm, gọi Milner là một người bạn tốt. "Ông là một nhà đầu tư có tầm nhìn và quan trọng không kém là người ủng hộ cho khoa học thực sự", Levchin chia sẻ.
Ryan Petersen, CEO Flexport, đã nhận nhiều vốn đầu tư từ DST, lần gần nhất vào tháng 2 vừa qua. Ông nói rằng ông sẽ không do dự nhận thêm. "Tôi không lo lắng gì cả", ông nói và khẳng định tất cả các câu hỏi về DST của ông đã được trả lời nhiều năm trước. "Yuri là người có tiêu chuẩn đạo đức cao", ông chia sẻ và khẳng định việc tìm sự liên kết giữa Milner và Nga "thật điên rồ theo một mức độ nào đó".
Hình ảnh của Milner được xây dựng từ thành công trong vai trò một nhà đầu tư và niềm yêu thích khoa học. Được đặt tên theo phi hành gia nổi tiếng Yuri Gagarin, Milner có bằng vật lý từ Đại học Moscow. Sau khi nhận ra mình khó có thể đạt được đỉnh cao ở mảng này, ông bỏ dở chương trình tiến sỹ vật lý để đi bán máy tính. Vào cuối những năm 1980, ông chuyển sang Mỹ để học kinh doanh tại Đại học Pennsylvania.
Milner làm việc tại Ngân hàng Thế giới ở Mỹ vào đầu những năm 1990 và sau đó trở vê Nga để vận hành một dịch vụ môi giới. Bị cuốn hút bởi một báo cáo của nhà phân tích internet nổi tiếng Mary Meeker, Milner ra mắt một vườn ươm và quỹ đầu tư để hỗ trợ các công ty internet Nga. Ông cũng sáng lập Digital Sky Technologies, một công ty đầu tư mạo hiểm , vào năm 2005 ngay khi định giá nhiều công ty hồi phục từ bong bóng dot-com năm 2000.
Milner có mối quan hệ với nhiều "ông lớn" công nghệ. (Ảnh: AP).
Đến cuối năm 2000, Milner thành lập DST Global và để ý đến Facebook trong nỗ lực mở rộng ra bên ngoài Nga. Khi DST đầu tư vào Facebook vào năm 2009, định giá của nó đạt 10 tỷ USD. Đây là mức định giá rất cao cho một công ty trẻ ở thời kỳ suy thoái. Thế nhưng, khoản đầu tư 200 triệu USD vào Facebook đã biến DST thành một trong những công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Thung lũng Silicon.
Khi tài sản tăng lên, Milner chi nhiều tiền cho cuộc sống cá nhân. Ông cũng đầu tư thêm 75 triệu USD để tìm kiếm sự sống bên ngoài trái đất cùng với đó là 300 triệu USD cho giải thưởng Breakthrough Prize. Năm 2013, ông đầu tư vào công ty vệ tinh Planet Labs PBC và SpaceX của Elon Musk. Lúc đó, khoản đầu tư vào SpaceX là khoảng 10 triệu USD. 2 năm sau đó, ông thoái vốn với giá 23,56 triệu USD.
Milner nói rằng ông thoái vốn không vì áp lực gì và chỉ bởi vì ông không dự đoán được tiềm năng của mảng vệ tinh. "Thoái vốn sớm là một sai lầm", ông nói và thừa nhận rất hâm mộ Elon Musk.
Bên cạnh dự án tìm kiếm kênh giao tiếp với người ngoài hành tinh Breakthrough Listen, Milner cũng đã tài trợ cho Breakthrough Starshot, một dự án kéo dài hàng thập kỷ nhằm chế tạo tàu vũ trụ siêu nhỏ và siêu nhanh có thể bay đến hệ mặt trời lân cận với trái đất, Alpha Centauri.
Ông tin rằng sự sống bên ngoài trái đất cho thấy những khác biệt dựa trên biên giới quốc gia là thứ đang kìm hãm chúng ta. "Nếu có một nền văn minh ngoài kia đi trước chúng ta một triệu hoặc một tỷ năm, tôi rất tin tưởng rằng nó đã hòa làm một" ông nói. Nói cách khác, Milner có nhiều câu hỏi về chính trị giả định giữa các thiên hà hơn là câu chuyện của nước Nga lúc này.