Tỷ phú người Anh mất tích khi thám hiểm xác tàu Titanic

Ngày 19/6, một chiến dịch cứu hộ được tiến hành sâu trong vùng biển Đại Tây Dương nhằm tìm kiếm một tàu lặn công nghệ cao chở 5 hành khách, trong đó có tỷ phú người Anh Harmish Harding, mất tích khi tới nghiên cứu xác tàu Titanic đã chìm hơn một thế kỷ trước.

Hình ảnh tàu lặn Titan của OceanGate Expeditions. Ảnh: OceanGate Expeditions

Hình ảnh tàu lặn Titan của OceanGate Expeditions. Ảnh: OceanGate Expeditions

Được vận hành bởi OceanGate Expeditions, tàu lặn mang tên Titan có khả năng lặn sâu 4.000m với “giới hạn an toàn thoải mái”. Công ty cho biết tàu Titan nặng 9.072kg, có chất liệu sản xuất được gợi lên từ cái tên của nó chính là “titan và sợi carbon”. Theo OceanGate Expeditions, con tàu này đã được chứng minh là “chịu được áp lực khổng lồ của đại dương sâu thẳm”, với khung nhìn “lớn nhất trong số các tàu lặn sâu” và công nghệ cung cấp “tầm nhìn vô song” về đại dương sâu thẳm.

Không giống như các tàu ngầm tự khởi hành và quay trở lại cảng, các tàu lặn cần một con tàu để hạ thủy và thu hồi chúng. Do đó, OceanGate đã thuê tàu Polar Prince để chở hàng chục người và tàu lặn Titan đến địa điểm xác tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương. Con tàu lặn sau đó sẽ thực hiện nhiều lần lặn trong một chuyến thám hiểm.

Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, tàu Titan bắt đầu lặn từ sáng ngày 18/6 và tàu hỗ trợ của nó là tàu phá băng nghiên cứu Polar Prince của Canada, mất liên lạc với Titan khoảng 1 giờ 45 phút sau đó. Tới tối 18/6, Trung tâm Phối hợp Cứu hộ Chung của Canada ở Halifax, Nova Scotia thông báo con tàu lặn này được báo quá hạn cách St. John’s, Newfoundland khoảng 700 km về phía nam.

Trả lời hãng tin AP, ông David Concannon, một cố vấn của OceanGate, cho biết tàu lặn Titan có nguồn cung cấp oxy đủ cho 96 giờ bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng ngày 18/6. Để có thể đưa ra hỗ trợ càng sớm càng tốt, ông cho biết các quan chức đang nỗ lực đưa một phương tiện hoạt động từ xa có thể đạt độ sâu 6.000m đến địa điểm tàu mất liên lạc càng sớm càng tốt.

Chuẩn Đô đốc John Mauger, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, cho biết các nguồn lực bổ sung sẽ đến trong những ngày tới. Tuy nhiên, công tác cứu hộ có khả năng cao sẽ gặp phải các thách thức lớn. Theo ông Mauger, “đây là một khu vực hẻo lánh — và việc tiến hành tìm kiếm ở khu vực hẻo lánh đó là một thách thức”. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Chúng tôi đang triển khai tất cả các phương tiện sẵn có để đảm bảo có thể xác định vị trí con tàu và giải cứu những người trên tàu”.

Tàu Polar Prince tại Vancouver, Bristish Columbia, Canada. Ảnh: AP

Tàu Polar Prince tại Vancouver, Bristish Columbia, Canada. Ảnh: AP

Nhận định về kết quả của nỗ lực cứu hộ, giáo sư kỹ thuật hàng hải tại Đại học College London Alistair Greig cho biết các tàu lặn thường có trọng lượng rơi. Đây là “khối lượng mà chúng có thể giải phóng trong trường hợp khẩn cấp để đưa tàu lên bề mặt bằng lực nổi”. Nếu mất điện hoặc mất liên lạc – một khả năng có thể đã xảy ra – tàu lặn Titan sẽ nổi trên mặt nước và chờ được tìm thấy.

Tuy nhiên nếu kịch bản thân tàu bị rò rỉ áp suất xảy ra, khiến tàu đã chìm xuống đáy biển và không thể tự nổi lên, các lựa chọn sẽ rất hạn chế. Ông cho biết: “Dù tàu lặn có thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng nếu nó nằm ngoài thềm lục địa thì rất ít tàu có thể xuống được độ sâu như vậy”. Kể cả khi xuống được độ sâu đó, quá trình cứu hộ cũng sẽ rất khó khăn.

Đoàn thám hiểm của OceanGate tham gia vào nhiệm vụ tới địa điểm xác tàu Titanic bao gồm các nhà khảo cổ học và nhà sinh học biển. Ngoài ra, công ty này cũng đưa những người trả tiền để được đi cùng, hay còn được gọi là “chuyên gia sứ mệnh”. Trên tàu Titan bị mất tích, các cơ quan chức năng cho biết đang có 1 người lái tàu và 4 "chuyên gia sứ mệnh".

Tỷ phú người Anh Hamish Harding là một trong những chuyên gia về sứ mệnh, theo Action Aviation - một công ty mà ông Harding làm chủ tịch. Ngoài việc là một doanh nhân, ông Harding cũng là một nhà thám hiểm và là người nắm giữ 3 kỷ lục Guinness thế giới. Trước đó vào tháng 3/2021, ông và nhà thám hiểm đại dương Victor Vescovo đã cùng lặn xuống độ sâu thấp nhất của rãnh Mariana. Tiếp theo đó vào tháng 6/2022, ông cũng từng lên vũ trụ trên tên lửa New Shepard của công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos.

Chuyến thám hiểm này là chuyến đi hàng năm thứ 3 của OceanGate để ghi lại quá trình xuống cấp của Titanic - con tàu mang tính biểu tượng đã va phải một tảng băng trôi và chìm vào năm 1912. Kể từ khi mảnh vỡ được phát hiện vào năm 1985, tàu Titanic đã dần bị vi khuẩn ăn kim loại xâm nhập. Một số người đã dự đoán con tàu có thể biến mất trong vài thập kỷ nữa khi các lỗ hổng trên thân tàu và các bộ phận tan rã.

Kể từ năm 2021, nhóm khách tham quan đầu tiên đã từng trả 100.000 đến 150.000 USD cho mỗi người để thực hiện chuyến đi.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ty-phu-nguoi-anh-mat-tich-khi-tham-hiem-xac-tau-titanic-post23157.html