Tỷ phú nổi tiếng: Cha mẹ làm đúng 3 điều này, con cái khó mà không tài giỏi
Một đứa trẻ trong tương lai có trở nên tài giỏi và hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và phẩm cách của cha mẹ.
Ảnh minh họa
Nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng Alfred Adler từng nhấn mạnh vai trò của môi trường gia đình đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ: "Người may mắn dùng tuổi thơ để hàn gắn cuộc đời mình; người không may dùng cả cuộc đời để hàn gắn tuổi thơ".
Con trẻ thiết lập kết nối ban đầu với thế giới thông qua cha mẹ của mình. Một đứa trẻ trong tương lai có trở nên tài giỏi và hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và phẩm cách của cha mẹ.
Vì vậy, là cha mẹ, bạn phải hết sức coi trọng sự ảnh hưởng của mình đối với con cái. Nhiều người có thể hiểu điều này, nhưng nên thực hiện cụ thể ra sao thì không phải ai cũng nắm bắt được.
Tỷ phú Warren E. Buffett, một người rất coi trọng cuộc sống gia đình và việc giáo dục con cái tin rằng nếu cha mẹ có thể tạo điều kiện tốt cho con cái ở ba khía cạnh sau, con nhất định sẽ thành công và trưởng thành tử tế:
1. Tương tác bình đẳng với nhau
Trên thực tế, đối với nhiều bậc cha mẹ, họ luôn có khoảng cách với con cái bởi sự chênh lệch về tuổi tác, địa vị. Trong nhiều gia đình, con cái gần như tuân theo vô điều kiện mọi gợi ý của cha mẹ trong suốt quá trình lớn lên, thậm chí phát triển theo con đường mà cha mẹ đã vạch ra.
Giữa cha mẹ và con cái vì vậy thiếu đi sự gần gũi, lắng nghe và vô hình trung đẩy quan hệ hai bên vào tình thế đối đầu, đưa các con vào vị thế bị quản lý. Con cái là những cá thể riêng và độc lập. Tình yêu thương thực thụ mà cha mẹ dành cho con cái không thể tách rời sự tôn trọng.
Quan điểm đầu tiên của tỷ phú Buffett về giáo dục gia đình là sự tương tác giữa các thế hệ phải bình đẳng. Không có tình trạng cha mẹ áp đặt hoàn toàn con cái.
2. Một hình mẫu thực tế
Trong tâm lý học xã hội, nhiều học giả định nghĩa cha mẹ là "những người thầy đầu tiên của con cái", bởi vì những đứa nhỏ còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Nhiều việc chúng không thể tự mình làm được, vì vậy cha mẹ là tấm gương để con bắt chước và học hỏi. Muốn con thành công, cha mẹ phải là hình mẫu tích cực về tinh thần học hỏi.
Bản thân Buffett là một ví dụ. Trong cuốn tự truyện "Father Buffett Taught Me to Do Things", con trai ông, Peter đã mô tả nhiều điều vụn vặt về mối quan hệ của anh với cha mình khi còn nhỏ. "Bố tôi luôn mặc những bộ quần áo đơn giản và làm hết sức mình trong văn phòng". Điều này cũng giúp anh nhận ra rằng công việc là thứ có thể kích thích sở thích cá nhân và tiềm năng trong cuộc sống của con người nhiều nhất.
Các con của Warren Buffett không biết gì về tiền bạc cũng như sự nghiệp của người cha giàu kếch xù, thuộc top giàu nhất thế giới. Gia đình tỷ phú Warren Buffett luôn duy trì lối sống giản dị và tiết kiệm. "Hồi nhỏ tôi vẫn tự đi bộ đến trường và học trường công như các bạn bè cùng trang lứa", Peter chia sẻ.
Nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffett vẫn không ngừng trau dồi kiến thức qua sách vở. Ông dành phần lớn thời gian trong ngày để đọc sách. Có thể nói, Warren Buffett luôn tạo được sự tin cậy ở các con bằng cách luôn làm đúng như những gì ông nói, toàn vẹn và trung thực.
3. Môi trường sống ổn định
Tâm lý của trẻ vị thành niên thường hay thay đổi nên môi trường xung quanh càng ổn định thì sự phát triển sẽ càng thuận lợi. Cần lưu ý rằng môi trường được đề cập ở đây không chỉ đề cập đến ở cấp độ vật chất, mà còn là môi trường về trạng thái tinh thần. Đây cũng là điều mà Buffett tin là rất quan trọng đối với quá trình trưởng thành của trẻ.
Vợ chồng Buffett đã tạo cho con một môi trường sống và tâm lý ổn định từ khi còn nhỏ. Theo hồi ức của Peter - con trai của Buffett, suốt thời thơ ấu, anh hầu như luôn sống trong ngôi nhà nhỏ của ông bà - nơi mẹ mình lớn lên. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, anh đã trải qua tuổi thơ theo quỹ đạo trưởng thành của mẹ mình.
Ở góc độ tâm lý, hình ảnh người mẹ sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ vị thành niên. Những gì mẹ của một đứa trẻ làm có thể quyết định phần lớn loại tính cách và đặc điểm mà trẻ phát triển sau này.
Trước đó, các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng việc tạo cho trẻ một môi trường ấm áp và ổn định về mặt cảm xúc có thể khiến trẻ chấp nhận sự dạy dỗ của cha mẹ hơn.