Tỷ phú sò huyết trên biển Tây Nam

'Bí quyết thành công tôi không có, nhưng kinh nghiệm thất bại thì nhiều. Ròng rã gần 15 năm mày mò tự mình học hỏi mới có được chút thành quả bước đầu, tạm gọi là thoát nghèo', ông Nguyễn Văn Vui (ảnh nhỏ, 47 tuổi, nuôi sò huyết ở xã Nam Thái, huyện An Biên, Kiên Giang) bộc bạch.

Vận chuyển sò huyết tới chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) ngay trong đêm để kịp tiêu thụ

Vận chuyển sò huyết tới chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) ngay trong đêm để kịp tiêu thụ

Đi lên từ xóm biển nghèo

Vùng Miệt Thứ của tỉnh Kiên Giang thuộc 2 huyện An Biên, An Minh, bắt đầu từ Thứ Nhứt tới hết Thứ Mười Một. Người dân địa phương phân biệt hai bên để gọi một bên là bờ xáng - tức bờ kênh xáng múc (xáng cạp đào kênh) chuyên trồng lúa, trái cây… Bên còn lại là xóm biển, chẳng hạn Thứ Ba biển, Thứ Sáu biển…

Phía bờ xáng đương nhiên phát triển hơn vì có đường, có điện, nước sạch… Phía biển thì trơ trụi với nắng gió quanh năm. Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái, huyện An Biên, kể, phía bên biển của Miệt Thứ nghèo trường kỳ, hầu hết người dân chỉ đi tàu đánh cá kiếm sống qua ngày, cho tới khi có người tiên phong mở ra nghề nuôi tôm, nuôi hến…, mọi thứ mới bắt đầu thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Vui chia sẻ, gia đình mình được chính quyền địa phương lập danh sách chung với 96 hộ khác để giao mặt nước biển, cho vay vốn nuôi hến và vẹm xanh, sò huyết. Mấy vụ đầu, hến, vẹm xanh còn tiêu thụ được, có thể thu hồi vốn với chút đỉnh tiền lời coi như đổi lấy công sức của mình, nhưng sau đó bán không ai mua. Sò huyết thì con giống rất đắt tiền, nuôi gần tới lúc thu hoạch thì cào lên chỉ còn vỏ không. Tìm hiểu lâu ngày mới phát hiện có một loài sâu sống dưới đáy bùn biển chuyên đục vỏ ăn thịt sò. Có lúc ước tính 2-3 tấn sò huyết bị loài sâu này ăn sạch chỉ sau vài đêm.

“Lúc đó nhiều người nản chí bỏ xứ đi Bình Dương, Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Tôi quyết chí không đi đâu hết, ở đây là xứ sở quê nhà, làm không được thì đi đâu cũng vậy. Rồi cũng có cách vượt qua khó khăn”, ông Vui nói.

Cách vượt khó mà ông Vui nói là lúc thả con giống phải canh thời điểm dòng nước xả từ trong ruộng ra biển để né. Bởi nước từ ruộng đổ ra đem theo nhiều tạp chất, có cả dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại… nên con giống thủy sản không sống nổi. Thứ hai là phải thả thưa. Diện tích 300ha của ông Vui thả mật độ chỉ bằng phân nửa so với nhiều hộ khác. Việc thả thưa có hai cái lợi, trước hết là chi phí mua giống thấp, thứ hai là giảm nguy cơ thiệt hại do ô nhiễm. Sò huyết khi bắt đầu lớn sẽ dễ bị các loài sinh vật khác tấn công, ký sinh rồi chết…

“Tôi tuy chưa tới 50 tuổi, nhưng dám nói kinh nghiệm cũng không thua gì ai ở xóm nuôi sò này. Kinh nghiệm là vậy, nhưng đã làm nghề biển thì phải tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành trời đất phù hộ thì mới bền”, ông Vui tâm sự.

Xóm biển bây giờ đã là xóm nhà tường, nhiều nhà có ô tô đậu trong sân, con cái học hành tới nơi tới chốn. Ông Vui tiết lộ thêm, tỷ lệ hao hụt với con sò huyết bình quân tới 80%, tức thả 100 con giống ban đầu chỉ hy vọng còn 20 con trưởng thành là coi như trúng vụ. Giá sò huyết hiện nay dao động từ 200.000-350.000 đồng/kg tùy kích thước, sò càng lớn càng đắt tiền. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi hécta cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm.

Để nghề nuôi sò phát triển bền vững

Không chỉ nuôi sò huyết, thấy thương lái hay ép giá hộ nuôi, ông Vui đứng ra lập tổ hợp tác thu mua sò huyết của các hộ nuôi khác rồi trực tiếp chở đi tiêu thụ ở chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) và xuất bán sang Campuchia. Mỗi năm, tổ hợp tác nuôi sò huyết của xã Nam Thái tiêu thụ khoảng 50 tấn sò huyết. “Nhiều tỉnh khác như Tiền Giang, Trà Vinh… đã có cơ sở sản xuất sò huyết giống, nhưng Kiên Giang chưa có.

Người nuôi sò huyết phải mua con giống với giá rất cao, mỗi hécta mặt nước ước tính phải tốn chi phí khoảng 120 triệu đồng tiền mua sò huyết giống. Nếu có cơ sở sản xuất sò huyết giống trong tỉnh thì tụi tôi vừa yên tâm về chất lượng, vừa có được sò huyết giống với giá cả phù hợp hơn”, ông Vui nói.

Ông Trang Minh Tú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Biên, cho biết, diện tích nuôi nhuyễn thể của tỉnh Kiên Giang khoảng 25.560ha, riêng An Biên có 11.000ha với khoảng 300 hộ nuôi. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh đã triển khai rà soát quy hoạch nghề nuôi biển trong toàn tỉnh, sắp xếp ổn định các hộ nuôi... để định hướng phát triển tới năm 2030 và sau năm 2030.

Ông Tú đánh giá, nghề nuôi nhuyễn thể (2 mảnh vỏ) đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong quá khứ, nhưng cả cơ quan quản lý nhà nước, ngành chuyên môn và người nông dân đều thiếu kinh nghiệm; tình hình an ninh trật tự vùng nuôi phức tạp, xảy ra nạn trộm, thậm chí là cướp thủy sản…

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp các sở, ngành cấp tỉnh xúc tiến thành lập trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể. Song song đó, sẽ phải có các trung tâm quan trắc nguồn nước để làm cơ sở cấp chứng nhận chất lượng, nhận diện thương hiệu thủy sản địa phương…”, ông Tú cho biết.

Tăng nuôi, giảm khai thác biển là tất yếu

“Tỉnh Kiên Giang đã, đang và sẽ tiếp tục giảm đội tàu khai thác, hiện đã giảm hơn 1.000 tàu công suất nhỏ, sắp tới sẽ tiếp tục giảm; cùng với đó là tăng nuôi biển. Trong đề án quy hoạch nghề nuôi biển của tỉnh đã có định hướng tăng bảo tồn tài nguyên biển, những vùng không được khai thác, hạn chế thời gian khai thác…

Trong định hướng nghề nuôi biển, phải ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Hiện Kiên Giang đã có 8.000ha nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Kiên Lương. Ngoài ra có các mô hình tôm - lúa/cua - lúa/tôm - lúa - cá hoàn toàn hữu cơ ở vùng U Minh Thượng. Nuôi biển, trong đó có nuôi nhuyễn thể ven biển thay vì khai thác tận thu, tận diệt đang là xu hướng tất yếu”. Ông TRẦN CÔNG DANH, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang

QUỐC BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ty-phu-so-huyet-tren-bien-tay-nam-post687193.html