Tỷ phú Thái Lan: Nhiều tiền không phải là hạnh phúc
'Nếu ai đó nói rằng kiếm được nhiều tiền mới là hạnh phúc nghĩa là họ không hiểu được bản chất sự sinh ra của con người' - tỷ phú người Thái Lan nói.
Ở Thái Lan, Lào hay Campuchia, nhiều người biết đến Tiến sĩ Supachai Verapuchong với tư cách một doanh nhân theo đạo Phật.
Cũng với tinh thần sẻ chia của đạo Phật, trong hơn 20 năm hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, ông Supachai đã có nhiều hoạt động từ thiện ở Việt Nam.
Một trong những hoạt động thiện nguyện thường niên mà ông đang làm ở Việt Nam là trao tặng thuốc cho người nghèo ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông cũng hợp tác với Bộ Y tế hỗ trợ sản phẩm thuốc tránh thai trong việc triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình trong vòng 4 năm qua ở Việt Nam. Ông cũng nhiều năm liền đồng hành cùng học bổng Nguyễn Thái Bình, trao cơ hội cho những học sinh nghèo hiếu học.
Mới đây, vị tỷ phú người Thái Lan đã trao tặng thuốc và thiết bị y tế cho Sở Y tế tỉnh Điện Biên trị giá 430 triệu đồng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa tôn giáo tại 5 nước lưu vực sông Mê Kông (Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia) (hay còn được biết đến với cái tên Dharma Yatra).
đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Supachai Verapuchong khi ông cùng đoàn hành hương tới từ 5 quốc gia đặt chân tới Việt Nam ngày 20/10 vừa qua.
- Là một doanh nhân, cũng là một người theo đạo Phật, theo ông, mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của một doanh nhân có mâu thuẫn với triết lý sẻ chia của đạo Phật không? Khi một bên thương trường là chiến trường còn một bên là sự hòa hợp, nhường nhịn.
Tôi nghĩ rằng không có sự mâu thuẫn ở đây. Đạo Phật dạy chúng ta không làm gì trái pháp luật hay đi ngược lại với đạo lý làm người. Tức là làm gì cũng phải trung thực, không được làm hại ai và điều đó cũng chính là những yếu tố giúp kinh doanh bền vững, lâu dài.
- Một trong những tiêu chí kinh doanh trung thực của ông là gì?
Một trong những sản phẩm tôi kinh doanh là thuốc. Đặc điểm của nó là giúp đỡ cho con người.
Tôi luôn tâm niệm rằng tôi phải làm tốt và trung thực với khách hàng của mình. Điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản.
Làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận nhưng những người giàu có chưa chắc đã hạnh phúc. Còn nếu làm kinh doanh mà mang lại hạnh phúc thì nó có thể sẽ mang đến sự giàu có.
Thực ra, một số doanh nhân muốn kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Đó là do lòng tham của con người.
Con người khác với con vật ở chỗ biết đúng sai, tốt xấu. Tôi tin rằng những người làm kinh doanh không trong sạch biết rằng mình đang làm việc xấu và trong tâm họ cảm thấy không hạnh phúc.
- Có vẻ như việc kinh doanh đang giúp ích cho việc thực hành đạo Phật của ông, vì ông sẽ có nhiều tiền hơn để làm từ thiện?
Đúng là nó có giúp ích. Triết lý sống của tôi là khi tôi đã kinh doanh tạo ra lợi nhuận, tôi muốn làm thế nào để mình cảm thấy hạnh phúc.
Nhiều tiền không phải là hạnh phúc, vì khi chết đi chúng ta không mang nó theo được. Việc làm tôi cảm thấy hạnh phúc là dùng tiền mình kiếm được để giúp đỡ người khác.
Nhưng không phải bạn phải có nhiều tiền mới có thể giúp đỡ người khác. Theo đạo Phật thì có 3 mức độ. Việc dùng vật chất để giúp đỡ người khác chỉ là mức thấp nhất. Mức độ thứ 2 là chúng ta có thể bao dung, tha thứ cho những người đối xử không tốt với mình và có thể đối xử tốt với họ. Mức độ thứ 3 là ta có thể lan tỏa tinh thần đó để giúp người khác trở thành người tốt.
- Làm thế nào để việc chia sẻ tài sản với người khác trở thành hạnh phúc của mình? Nhiều người cho rằng việc kiếm được nhiều tiền mới là hạnh phúc của họ.
Nếu ai đó nói rằng kiếm được nhiều tiền mới là hạnh phúc nghĩa là họ không hiểu được bản chất sự sinh ra của con người.
Con người sinh ra có một đặc điểm giống như con vật. Đó là nếu không có ăn thì mới phải tranh giành, cướp đoạt của nhau. Nhưng khi bạn đã có đủ rồi thì việc chia sẻ cho nhau là hạnh phúc.
Thử nghĩ xem, nhiều tiền hay ít tiền thì bạn cũng chỉ ăn 1-2 bát cơm là no, cũng chỉ cần một ngôi nhà để ở, một phương tiện để đi. Vậy bây giờ giữa 2 việc: mang tài sản mình không dùng đến chia sẻ cho người khác so với việc bạn đã có đủ rồi nhưng vẫn đi tranh giành với người khác, thì bạn nghĩ xem, cái nào làm cho bạn hạnh phúc hơn?
- Ông có chia sẻ triết lý đạo Phật với các nhân viên của mình không? Những người theo đạo Phật có được ưu ái khi ứng tuyển vào công ty của ông không?
Ở công ty, tôi không nói nhiều về đạo Phật. Nhưng tôi luôn tâm niệm và nói với nhân viên rằng hãy trung thực với khách hàng.
Tôi không quan tâm nhân viên của mình có theo đạo Phật hay không. Tôi sẵn sàng tuyển dụng những người theo các tôn giáo khác nhau. Nhưng khi đã vào công ty rồi, tôi sẽ hướng thiện cho họ. Tôi luôn nói với nhân viên của mình rằng, hãy coi khách hàng là anh chị em của bạn. Trong lĩnh vực khách sạn, chúng tôi phải lo nỗi lo của khách hàng trước khi để họ than phiền.
Các quản lý cấp cao của tôi sẵn sàng khiêng một chiếc ghế nếu cần thiết. Và dĩ nhiên tôi phải là người làm gương. Nếu tôi nhìn thấy một mẩu rác hay một chiếc tăm rơi, tôi luôn cúi xuống, tự nhặt nó lên.
- Là một người làm từ thiện tích cực ở Việt Nam, ông nghĩ thế nào về việc làm từ thiện để mang lại những giá trị bền vững, như người ta vẫn nói là ‘cho cái cần câu chứ không cho con cá’?
Chính việc lan tỏa đạo Phật bằng việc tổ chức những chuyến hành hương như Dharma Yatra là cách mà tôi muốn cho đi ‘cái cần câu’.
Tôi luôn muốn con người tử tế, trung thực, sống hòa hợp với nhau theo triết lý đạo Phật. Một gia đình được cấu tạo bởi các thành viên, nếu các thành viên đều nghĩ và làm được như thế thì sẽ có một gia đình tốt. Hàng triệu gia đình làm thế thì sẽ có một đất nước tốt và đất nước đó sẽ yên bình và phát triển.
- Ông có định trao tặng phần lớn tài sản của mình cho các quỹ từ thiện như nhiều tỷ phú khác, nhất là khi ông lại là lấy việc sẻ chia làm triết lý sống của mình?
Tôi làm từ thiện từ khi tôi còn chưa có nhiều tiền. Khi tôi dành nhiều tiền hơn cho việc từ thiện, tôi không kỳ vọng sẽ nhận được nhiều phúc đức từ đó.
Một điều nữa mà đạo Phật cũng dạy, đó là mình phải biết mình. Tức là tôi làm từ thiện nhưng tôi không làm cho gia đình mình phải khổ hay phiền toái vì việc đó.
Không phải cứ dành hết tiền làm từ thiện mới là tốt, mới là có hồng phúc. Tôi tự biết mình có bao nhiêu, có thể cho đi bao nhiêu một cách thoải mái. Đó mới là điều mà tôi hướng đến.
Supachai Verapuchong (SN 1962) tốt nghiệp cử nhân Kinh tế ở ĐH Thammasat, Thái Lan trước khi nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của ĐH Southeastern (Mỹ). Sau đó, ông nhận bằng tiến sĩ của một đại học ở Thái Lan.
Ngoài vị trí đứng đầu một tập đoàn dược phẩm với khoảng 5.000 nhân viên, ông còn sở hữu và điều hành hàng chục công ty khác nhau trong các lĩnh vực: đồ uống, khách sạn, resort, sân golf, kênh truyền hình… ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Nguyễn Thảo(thực hiện)