Tỷ phú USD không nên tồn tại và không ai xứng đáng có nhiều tiền?
Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Mỹ Bernie Sanders khẳng định 'tỷ phú USD không nên tồn tại'. CEO Facebook Mark Zuckerberg cho rằng 'không ai xứng đáng có hàng chục tỷ USD'.
Hồi tháng 9, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ - gây xôn xao dư luận khi tuyên bố: "Các tỷ phú USD không nên tồn tại". Ông Sanders đề xuất đánh thuế tài sản thường niên tối đa 8% lên các cá nhân sở hữu tài sản từ mốc 16 triệu USD đến 10 tỷ USD để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Theo New York Times, giới chuyên gia tài chính xác định nếu chính sách thuế của Thượng nghị sĩ Sanders được áp dụng, các tỷ phú Mỹ sẽ mất 50% tài sản trong vòng 15 năm (với điều kiện là các yếu tố như giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh không thay đổi).
Trước ông Sanders, một ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ khác là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cũng công khai kế hoạch đánh thuế giới nhà giàu. Bà đề ra mức thuế 2-3% với các hộ gia đình sở hữu khối tài sản theo mốc từ 50 triệu - 1 tỷ USD.
"Không ai xứng đáng sở hữu nhiều tiền như thế"
Tương tự ông Sanders và bà Warren, Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez tuyên bố: “Bất kỳ tỷ phú nào cũng là một sự thất bại về chính sách”. Chuyên gia Marshall Steinbaum, Giám đốc nghiên cứu Viện Roosevelt, nói với Huffington Post: “Chúng ta không cần các tỷ phú. Nền kinh tế Mỹ từng phát triển tốt khi không có các tỷ phú”.
Hôm 3/10, CEO Facebook Mark Zuckerberg gây bất ngờ khi lên tiếng bình luận về quan điểm chính trị của các ứng cử viên Sanders và Warren. Nhắc tới khối tài sản 69 tỷ USD của mình, Zuckerberg nói: "Tôi hiểu vì sao ông ấy (Sanders) đưa ra quan điểm này. Tôi không rõ một người nên sở hữu bao nhiêu tài sản, nhưng ở một mức nào đó, không ai xứng đáng có nhiều tiền đến thế".
Tất nhiên không phải ai cũng đồng tình với quan điểm dữ dội của ông Sanders, bà Warren hay Hạ nghị sĩ Ocasio-Cortez. Trên Fox Busines, tỷ phú Ken Langone - người sở hữu 3,9 tỷ USD - gọi ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ là "kẻ ngớ ngẩn" vì cho rằng tỷ phú USD không nên tồn tại.
Trả lời phỏng vấn Business Insider, ông Langone nhấn mạnh với việc đầu tư giúp chuỗi Home Depot phát triển, ông đã giúp hơn 500.000 người có việc làm, nuôi gia đình, tận hưởng cuộc sống và cho con cái ăn học đàng hoàng. "Còn ông đã làm được gì hả Bernie?”, tỷ phú Langone diễu cợt.
Nhà đầu tư nổi tiếng nhấn mạnh ông không hề có ý định xin lỗi ai vì “chiến thắng khi chơi theo đúng luật”. “Tôi đóng thuế đầy đủ. Chúng tôi tôn trọng các quy tắc và luật lệ. Chúng tôi tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên và đem lại cơ hội thăng tiến cho họ”, ông quả quyết.
Trong khi đó, khảo sát năm 2019 của Viện Cato (Washington DC) cho thấy 82% người Mỹ cho rằng tỷ phú USD nên tồn tại. Chỉ chưa đầy 17% có suy nghĩ giống như Thượng nghị sĩ Sanders. Khoảng 84% nói “không có gì là sai khi một người cố gắng kiếm được càng nhiều tiền càng tốt”. Thậm chí 73% cử tri Dân chủ cũng có quan điểm trái ngược với ứng cử viên Sanders.
Còn khảo sát của Huffington Post và YouGov cho thấy chỉ 22% người Mỹ ngưỡng mộ các tỷ phú. Nhưng chưa đầy 20% ủng hộ quan điểm rằng sự tồn tại của các tỷ phú là “thất bại về chính sách” của chính phủ Mỹ.
Người giàu không xấu
Trên MarketWatch, nhà báo tài chính nổi tiếng Tim Mullaney cho rằng quan điểm của Thượng nghị sĩ Sanders là hoàn toàn sai lầm. Theo ông, bức tranh tổng thể về giới siêu giàu Mỹ không tệ hại như trong suy nghĩ của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ.
Nhà báo Mullaney chỉ ra rằng người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates - tỷ phú giàu thứ hai nước Mỹ sau CEO Amazon Jeff Bezos - đã chi hàng chục tỷ USD cho các hoạt động từ thiện có ý nghĩa. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng tham gia vào sáng kiến từ thiện của ông Gates.
Tỷ phú Michael Bloomberg quyên góp từ thiện tới 767 triệu USD năm ngoái và trong một thập kỷ qua đã nỗ lực vận động đóng cửa các nhà máy điện chạy than - nguồn gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - và thúc đẩy các sáng kiến chống bạo lực súng đạn tại Mỹ.
Trên thực tế, khoảng 30% tỷ phú Mỹ đã cam kết hiến tặng 50% tài sản cho các hoạt động từ thiện. Người giàu nhất thế giới Jeff Bezos không tích cực làm từ thiện và chưa ký cam kết hiến tặng 50% tài sản. Nhưng năm ngoái, ông chủ Amazon hứa sẽ làm từ thiện 2 tỷ USD để giải quyết tình trạng vô gia cư tại Mỹ và đầu tư vào giáo dục.
Nhà báo Mullaney nhấn mạnh rằng quan niệm “tỷ phú là kẻ xấu” không hề chính xác. “Quan niệm đằng sau mọi tài sản lớn là tội ác là quá cũ kỹ”, ông khẳng định. Chỉ cần quan sát cách các tập đoàn hàng đầu thế giới hiện nay kiếm tiền là đủ thấy.
Ví dụ, Google và Microsoft bán các sản phẩm và dịch vụ phần mềm, Apple kinh doanh iPhone, iPad và Macbook, còn Gilead Sciences sản xuất thuốc chữa viêm gan C.
Tất nhiên cũng có một số tỷ phú Wall Street kiếm bộn tiền nhờ giao dịch nội gián hay gia tộc Sackler làm giàu nhờ kinh doanh thuốc giảm đau gây nghiện. Nhưng nhà báo Mullaney cho rằng đó chỉ là những ngoại lệ hiếm hoi.
Theo thống kê của WealthX, khoảng 13% tỷ phú trên thế giới giàu nhờ thừa kế tài sản gia đình. 55% tự thân làm giàu, 31% là sự kết hợp của cả hai yếu tố. Chỉ khoảng 13% tỷ phú kinh doanh trong các ngành gây ô nhiễm.