Tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta là 111,5 bé trai/100 bé gái
Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang ở mức rất cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái)
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao
Thông tin tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vừa diễn ra do Tổng cục Thống kê tổ chức cho biết tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao. Tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng tại Việt Nam vào khoảng năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay.
Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái) cho thấy có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia vẫn là bởi tư tưởng "trọng nam khinh nữ", ưa thích con trai của nhiều người dân.
Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục "trọng nam, khinh nữ". Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo bà Quỳnh Anh, định kiến giới là các suy nghĩ, quan niệm thiên lệch về giới mà nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và trong xã hội. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình. "Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện", bà Quỳnh Anh nói.
Bà Quỳnh Anh phân tích sự khác biệt về vai trò, trách nhiệm, vị thế và quyền hạn của nam và nữ mà xã hội tạo dựng đã gây ra những điều bất lợi cho cả hai giới, thể hiện sự bất bình đẳng giới.
Ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai
Về vấn đề này, TS Tạ Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, định kiến giới nằm ngay trong sự bất bình đẳng giới trong các hoạt động DS-KHHGĐ và sức khỏe sinh sản. Điều này biểu hiện ở vai trò của nam giới tham gia KHHGĐ còn hạn chế, mà người phụ nữ được coi là phải chịu trách nhiệm thực hiện KHHGĐ.
Định kiến giới, bất bình đẳng giới còn thể hiện ngay trên thị trường lao động và trong thu nhập. Biểu hiện là các chủ doanh nghiệp thích tuyển lao động là nam giới hơn và thường e ngại ký hợp đồng lao động với nữ lao động trẻ vì liên quan đến kết hôn và sinh đẻ nghỉ thai sản. Vì vậy, có những doanh nghiệp buộc lao động nữ ký thêm một phụ lục trong hợp đồng lao động là không được mang thai trong thời gian 2 năm đầu làm việc.
"Một thực tế rõ ràng là cùng trình độ, công việc, lao động nữ đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp" - TS Tạ Hương cho hay.
Cũng từ định kiến giới nói trên, một bộ phận người dân đã tìm mọi cách để sinh bằng được con trai, thậm chí tìm mọi phương pháp để biết được giới tính thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Theo các chuyên gia, khi công nghệ siêu âm phát triển, có hiện tượng xác định giới tính trước sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nhiều người sẵn sàng nạo phá thai khi biết đứa bé trong bụng không phải là con trai. Nhiều cặp vợ chồng đã chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi trước cả khi mang thai. Trong khi đó, quy định pháp luật xử lý vi phạm với người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi chưa đủ sức răn đe.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, với thực trạng về mức sinh cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái...