Tỷ trọng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 qua NAPAS đã tăng 11 lần trong 5 năm
Nếu trong năm 2015, hệ thống NAPAS xử lý giao dịch chuyển mạch ATM là chủ yếu thì đến năm 2020, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã vượt qua số lượng giao dịch rút tiền ATM.
Cụ thể, theo thông tin tại Hội nghị Ngân hàng thành viên lần thứ 6 do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức cuối tuần qua, năm 2015, hệ thống NAPAS xử lý giao dịch chuyển mạch ATM là chủ yếu (chiếm đến 89,7%), trong khi tỷ trọng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 chỉ chiếm 1,1% tổng số lượng giao dịch.
Nhưng đến năm 2020, hệ thống NAPAS đã ghi nhận số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã vượt qua số lượng giao dịch rút tiền ATM và chiếm gần 66,6% tổng số lượng giao dịch trong khi các giao dịch chuyển mạch ATM chỉ còn chiếm 26,6%.
Tổng giá trị giao dịch chuyển mạch ATM (rút tiền mặt) chiếm 84,4% tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS vào năm 2015; tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh và chỉ chiếm 5,4% vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng về giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 qua hệ thống NAPAS đã tăng 11 lần, từ 6,3% vào năm 2015 lên 93,5% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, NAPAS phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông triển khai các chương trình góp phần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi tiêu dùng, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: Tiền khéo Tiền khôn, Ngày không tiền mặt, Ngày Thẻ Việt Nam…
Trong năm 2020 nhiều khó khăn do bệnh dịch, NAPAS đã tiếp tục triển khai hàng loạt các chương trình miễn giảm phí chuyển mạch và bù trừ gồm: miễn phí thanh toán dịch vụ công, giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 2 triệu đồng trở xuống, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt. Qua các lần miễn giảm phí, tổng số tiền miễn giảm phí qua NAPAS tương đương gần 800 tỷ đồng.
Đồng thời, NAPAS tiếp tục ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường an ninh bảo mật, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng hệ thống ACH, nghiên cứu xây dựng hạ tầng số hóa, cung cấp các giải pháp thanh toán mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng các nhu cầu chuyển mạch nội địa và quốc tế, đa kênh (ATM, POS, qua Internet, di động…), đa dịch vụ của mọi đối tượng, thành phần kinh tế qua đó góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Các con số trên cho thấy thị trường thanh toán có sự dịch chuyển rõ nét thông qua sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm dịch vụ của NAPAS.
Theo đó, các sản phẩm dịch vụ Chuyển mạch tài chính và bù trừ mới trên nền tảng Internet banking, Mobile banking, thanh toán trực tuyến dần chiếm tỷ trọng lớn, thay thế dịch vụ chuyển mạch các giao dịch rút tiền trên ATM như khi mới sáp nhập. Kết quả này cũng khẳng định sự nỗ lực chung của các ngân hàng và NAPAS cùng nhau xây dựng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết: “Thực hiện sứ mệnh gắn kết người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng bằng các sản phẩm thanh toán sáng tạo, đáng tin cậy, dễ tiếp cận, dễ sử dụng cho cuộc sống hàng ngày, trong năm 2020, các ngân hàng cùng với NAPAS đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong việc giảm tỷ trọng rút tiền, thanh toán bằng tiền mặt.
Cụ thể, dịch vụ Chuyển tiền nhanh 24/7 trên ứng dụng Internetbanking, Mobile banking của các ngân hàng là dịch vụ được khách hàng tin dùng trong các giao dịch chuyển tiền, thanh toán với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 3 lần từ 2018 đến 2020”.
Hội nghị tập trung vào các nội dung gồm đánh giá những kết quả các Ngân hàng và NAPAS cùng nhau thực hiện trong năm 2020, chia sẻ kế hoạch và các dự án chiến lược sẽ được triển khai trong năm 2021 tầm nhìn đến 2025.
Trong khuôn khổ sự kiện, NAPAS cũng vinh danh và công bố giải thưởng ngân hàng xuất sắc, tiêu biểu, phát triển ấn tượng với các tiêu chí khác nhau được ghi nhận qua hệ thống NAPAS trong năm 2020.