Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước bứt phá ngoạn mục
Nỗ lực tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu đã góp phần giúp doanh nghiệp trong nước kết nối với các chuỗi cung ứng, tạo tiền đề quan trọng cho duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
4 điểm sáng
8 tháng đầu năm, xuất khẩu nước ta có 4 điểm sáng. Một là, trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả các thị trường xuất khẩu chính của nước ta, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc khối EU, ASEAN, … đều chịu ảnh hưởng tiêu cực về nhu cầu ; đồng thời tăng cường các biện pháp phòng dịch, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương, dù thấp với mức tăng 1,6%.
Hai là, từ đầu năm đến nay, chúng ta liên tục xuất siêu, 8 tháng xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu cả năm 2019 ở mức 9,9 tỷ USD.
Ba là, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước luôn cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); tăng 15,3% (trong khi khối doanh nghiệp FDI giảm 4,5%).
Bốn là, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không ngừng tăng lên. Tính đến cuối năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 31,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018). Trong 8 tháng đầu năm, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước bứt tốc, tăng lên, tới 34,9%; khối doanh nghiệp FDI giảm về mức 65,1%.
Nhìn từ 2016 đến nay, các năm 2016, 2017, 2018, xuất khẩu khu vực trong nước luôn chiếm dưới 30%, lần lượt là 28,4%; 27,37% và 28,3%. Năm 2019, lần đầu tiên vượt ngưỡng 30% với tỷ trọng 31,2%. Nhưng chỉ trong 8 tháng đã vươn lên 34,9%.
Tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, có một phần quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh.
Cụ thể, bên cạnh những ảnh hưởng đối với hoạt động xuất khẩu, dịch Covid-19 còn có tác động tiêu cực tới nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.
Để chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu đã được giao; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 05, ngày 26/2.
Trong đó giao cho Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.
Phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng..., những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Chỉ thị 05 cũng giao cho Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chỉ đạo các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, các khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại.
Đặc biệt, Chỉ thị 05 giao cho nhiều đơn vị liên quan tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Chỉ thị giao cho Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Cụ thể, 2 vụ thị trường nước ngoài được giao nhiệm vụ chỉ đạo Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...
Cục Xúc tiến thương mại được giao nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp các thông tin về tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kịp thời cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Những nỗ lực trên đã góp phần giúp doanh nghiệp kết nối với các chuỗi cung ứng, tạo tiền đề quan trọng cho duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.