U.19 thôi mà, có cần cay cú đến vậy?
Câu chuyện U.19 Indonesia bị loại đã được nước chủ nhà đẩy đi quá xa, tạo ra bầu không khí vẩn đục không đáng có ở đoạn kết một giải đấu trẻ và gây nguy cơ chia rẽ của bóng đá khu vực.
Trở lại với trận hòa 1-1 giữa U.19 Thái Lan và Việt Nam mà Indonesia cho rằng có sự “dàn xếp tỷ số” để loại đội chủ nhà, bất kỳ đội nào thua sẽ dừng bước, Thái Lan cần phải thắng hoặc hòa có tỷ số, còn Việt Nam cần hòa nhưng nếu 0-0 sẽ rơi xuống nhì bảng. Thực tế trận đấu diễn ra rất căng thẳng cho đến phút 76 và sau khi Việt Nam có bàn san hòa 1-1, Indonesia cho rằng 2 đội chỉ thi đấu cầm chừng.
HLV Garcia của U.19 Thái Lan khẳng định đây là điều bình thường: “Việc chúng tôi dồn lực bảo vệ tỷ số có lợi là điều phải làm ở tình thế ấy, mọi đối thủ khác ở hoàn cảnh như vậy cũng làm như thế”. Tính toán an toàn phải được đặt lên hàng đầu là điều tất nhiên.
Được đánh giá cao hơn hẳn nhưng U.19 Việt Nam bất ngờ bị vỡ trận ở bán kết. Phút 25 trong tình huống tấn công tưởng như không có gì nguy hiểm Malaysia có bàn mở tỷ số. Sang hiệp 2 mải mê dồn lên tấn công tìm bàn gỡ, Việt Nam nhận bàn thua thứ 2 sau pha phản công nhanh của đội bạn. Chưa dừng lại, phút 87 trung vệ Hoàng Cảnh trượt chân để cầu thủ Malaysia vượt qua luôn thủ môn Văn Bình ấn định chiến thắng đậm đà. Thua 0-3, U.19 Việt Nam sẽ tranh hạng ba vào 15 giờ 30 ngày 15-7.
Thử hỏi, đặt trường hợp của Indonesia, HLV Shin Tae-yong có dám mạo hiểm xua quân dâng cao tấn công để… giúp Việt Nam hoặc Thái Lan, khi đã cầm vé bán kết trong tay và nếu bị thủng lưới sẽ bị loại? Chắc chắn ông cũng sẽ làm điều tương tự.
Còn nhớ tại vòng chung kết World Cup U.20 năm 2017, trước lượt cuối bảng D, U.20 Italy và Nhật Bản hòa sẽ cùng dắt tay nhau đi tiếp, gián tiếp loại Argentina. Sau khi tỷ số là 2-2, diễn biến 40 phút còn lại còn thô thiển hơn nhiều. Các cầu thủ Nhật Bản chuyền cho nhau đến gần 30 đường chuyền nhưng Italy vẫn không buồn tranh chấp. Đáp lại, từ quả phát bóng, không đưa lên trên, thủ môn và 3 hậu vệ Italy chuyền qua lại cho nhau suốt... 4 phút (!). Năm ấy, U.20 Italy lần đầu tiên đoạt hạng ba.
Hay ông Shin nói rằng: Việt Nam và Thái Lan vì “sợ” nên muốn loại Indonesia. Đây cũng là lẽ thường, vì đội nào chẳng ngại chủ nhà, muốn tránh “đêm dài lắm mộng”, nhất là các CĐV xứ vạn đảo luôn chật cứng sân và nổi tiếng cuồng nhiệt.
Chưa hết, ông lại quay ra đổ lỗi cho AFF khi lấy thành tích đối đầu làm ưu tiên xếp hạng giữa các đội bằng điểm thay vì tổng hiệu số (với hiệu số +17, U.19 Indonesia sẽ nhất bảng). Nhưng theo một chuyên gia bóng đá của Indonesia, ông Akmal Marhali: chính nước chủ nhà là một trong những đội đề xuất sử dụng và luật đã được đưa ra, chấp nhận trước khi giải đấu bắt đầu thì phải tôn trọng. Thể thức này có ưu điểm là nó buộc các đội bóng cạnh tranh trực tiếp phải giải quyết với nhau thay vì chỉ chăm chăm dội “mưa gôn” vào các “rổ đựng bóng” (Việt Nam, Thái Lan chỉ thắng Brunei 4-0, 2-0, Indonesia 7-0).
Ông Shin quá mau quên, AFF Cup năm ngoái cũng áp dụng quy định này và Indonesia đã vào chung kết (nhờ cầu hòa 0-0 với Việt Nam, nhất bảng chỉ phải gặp Singapore ở bán kết). Và chuyên gia này chỉ ra, lẽ ra Indonesia phải “tiên trách kỷ”, bởi “bị loại không phải vì Việt Nam và Thái Lan bắt tay nhau mà là vì chúng ta không thể đánh bại một trong hai đối thủ chính này”.
Nhưng việc Liên đoàn Bóng đá Indonesia họp khẩn để gửi thư khiếu nại, ngài Chủ tịch xông vào phòng họp báo ôm HLV trưởng khóc tức tưởi rất kịch, còn HLV Shin Tae-yong liên tục có những phát biểu, thậm chí đăng tải cả video lên mạng để “đổ thừa” cho thất bại, xem ra câu chuyện không chỉ là cay cú. Chỉ là một giải trẻ khu vực và Indonesia cũng chỉ mới một lần vô địch Giải U.19 Đông Nam Á trên sân nhà vào năm 2013, hà cớ muốn “chuyện bé xé ra to” dù không thay đổi được gì?
Đặt rất nhiều kỳ vọng vào HLV từng dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2018 (đánh bại cả nhà ĐKVĐ Đức 2-0), khi trao vào tay ông cả đội tuyển quốc gia, U.23 và đặc biệt là U.19 để hướng đến lần đầu tiên đăng cai World Cup U.20 trên sân nhà vào năm sau; nhưng sau hàng loạt thất bại, rõ ràng những người có trách nhiệm của bóng đá Indonesia cần chuyển hướng dư luận, xoay mũi dùi chỉ trích và đá trái bóng trách nhiệm về… một ai đó.