U.22 Việt Nam và Thái Lan hẹn tái đấu ở chung kết?

Chưa thể hiện hình ảnh hoàn mỹ của nhà ĐKVĐ, trận nào cũng có sai sót chết người nhưng không thể phủ nhận U.22 Việt Nam (VN) tiến bộ hơn qua từng trận.

U.22 Việt Nam sẽ gặp lại Thái Lan ở trận chung kết?

U.22 Việt Nam sẽ gặp lại Thái Lan ở trận chung kết?

Từ đầu giải, tuyển U.22 VN chưa bao giờ ra sân với đội hình xuất phát giống nhau. Không áp lực phải giành chiến thắng bằng mọi giá, ở trận “thử lửa” với U.22 Thái Lan, HLV Troussier thay tới 8 vị trí (chỉ giữ Quang Thịnh, Văn Cường và Văn Đô). Văn Khang, Văn Trường, Nhật Nam, Xuân Tiến, Công Đến có lần đầu đá chính; còn thủ môn Huy Hoàng và trung vệ Ngọc Thắng lần đầu ra sân. Như vậy, toàn bộ 20 cầu thủ đều đã được thi đấu.

HLV người Pháp còn gây bất ngờ khi kéo Văn Khang về đá hậu vệ trái, Xuân Tiến đảm nhận vai trò trung phong, trong khi Văn Trường dạt cánh… Ở hiệp 2 với Tuấn Tài, Minh Trọng vào sân trấn giữ hành lang trái, Văn Khang mới được đẩy lên chơi tự do cùng với Văn Trường và Thanh Nhàn làm nên 3 mũi tấn công U.20. Nhìn chung, ngoài Công Đến, các “kép phụ” đã có màn trình diễn đáng xem, đặc biệt là về tinh thần và lối chơi.

Thua sớm không đáng (Duy Cương trượt chân) và lần đầu tiên bị dẫn trước, nhưng rất đáng khen phản ứng của U.22 VN, đặc biệt là trong hiệp 2. Có lẽ đây là lần đầu tiên đoàn quân của HLV Troussier thật sự làm hài lòng người xem bằng lối chơi kiểm soát bóng hiệu quả, tổ chức tấn công nhịp nhàng, mạch lạc bằng những pha bóng sệt, bật tường nhanh, kết hợp với những đường chuyền vượt tuyến chính xác. Cũng lần đầu tiên từ đầu giải, người ta thấy “Voi chiến” trẻ tỏ ra bối rối, đánh mất thế trận.

Kết quả 1-1 chưa phải là thước đo sức mạnh thật sự của 2 đội, bởi U.22 Thái Lan cũng để các trụ cột nghỉ ngơi và không bung hết sức; nhưng cho thấy ông Troussier cùng các học trò đang đi đúng hướng. Ngoài nhóm cầu thủ dự bị được cọ xát, tạo động lực; việc chỉ tung Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, Thanh Nhàn vào sân ở hiệp 2; tiền vệ Đức Phú và tiền đạo đã ghi 4 bàn thắng Nguyễn Văn Tùng được cất giữ hoàn toàn, U.22 VN phần nào đạt được ý đồ “giấu bài” trước Indonesia ở bán kết. Bởi sau màn thể hiện của thê đội 2, có lẽ ngay bản thân HLV Troussier cũng phải đau đầu chọn đội hình chính ra sân trận bán kết chiều nay chứ đừng nói đối thủ.

Trong 4 kỳ SEA Games gần đây, bóng đá nam Indonesia chưa từng thắng Việt Nam khi thua 3, hòa 1; trong đó, tại 2 kỳ gần nhất đều thất bại nặng nề 0-3. Chính chiến thắng ở trận chung kết 2019 trên đất Philippines giúp chúng ta có tấm HCV lịch sử 60 năm và dẫn dắt U.22+2 Indonesia ngày đó chính là HLV Sjafri bây giờ. Nung nấu đòi nợ VN để có tấm HCV SEA Games thứ 3 sau 32 năm (lần cuối vô địch là Manila 1991), lứa cầu thủ này được Indonesia đầu tư rất lớn hướng đến World Cup U.20 nhưng bất thành nên nay sẽ dồn hết cho SEA Games.

Chứng tỏ là đội U.22 có giá trị đội hình cao nhất lên đến 3,63 triệu euro (bỏ xa đội thứ 2 Thái Lan có giá́ 2,23 triệu, Malaysia: 1,44 triệu, trong khi U.22 VN đứng thứ 4 với 1,06 triệu euro), Garuda toàn thắng 4 trận vòng bảng, ghi nhiều bàn thắng nhất và có số bàn thua ít nhất (13/1). So với VN lại được nghỉ nhiều hơn 1 ngày, lại đã quen thuộc với mặt sân Olympic.

Tuy nhiên, những chiến thắng tưng bừng dễ dàng (do bảng A quá nhẹ) có thể lại là điều “lợi bất cập hại” khi thầy trò HLV Sjafri vẫn chưa gặp thuốc thử đúng liều. Indonesia thiên về sức mạnh, luôn hùng hổ, ào ạt xông lên, nếu U.22 VN lấy “tịnh khắc động”, thi đấu chặt chẽ và buộc đối phương chơi theo cách của mình, sẽ thắng.

Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202305/u22-viet-nam-va-thai-lan-hen-tai-dau-o-chung-ket-3165979/