U-23 Việt Nam cạnh tranh gay gắt ở giải Đông Nam Á

HLV Kim Sang-sik vừa rút gọn danh sách đội tuyển U-23 Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn Đông Nam Á sau hai mùa liên tiếp vô địch, trong sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn.

Hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch U-23 Đông Nam Á năm nay của đội tuyển U-23 Việt Nam chắc chắn sẽ gian nan hơn khi các đối thủ đều có sự chuẩn bị mạnh mẽ và quyết tâm cao. Tại giải đấu ngắn ở Indonesia, nơi mỗi đội chỉ chơi 2-3 trận vòng bảng là thi đấu loại trực tiếp thì những đội bóng có lực lượng đồng đều, thể lực tốt và sở hữu HLV giàu kinh nghiệm có ưu thế lớn.

Thử thách cho U-23 Việt Nam

HLV Kim Sang-sik với triết lý chơi bóng đơn giản, kỷ luật, hiệu quả có thể là chìa khóa để giúp đội tuyển U-23 Việt Nam tạo khác biệt. Nhưng để giữ ngôi vô địch, thầy trò ông Kim sẽ phải vượt qua các đối thủ giàu cá tính như Indonesia (máu lửa, áp lực sân nhà), Thái Lan (kiểm soát bóng, giàu kinh nghiệm) và Malaysia (sức mạnh thể hình, không chiến tốt).

Không giống như một số quốc gia trong khu vực chỉ xem giải vô địch U-23 Đông Nam Á là bước đệm, U-23 Việt Nam đang cho thấy một sự chuẩn bị công phu và có định hướng chiến lược rõ ràng. Ngay từ đợt hội quân cuối tháng 6, HLV Kim Sang-sik đã triệu tập đến 36 cầu thủ, bao gồm những cái tên nổi bật. Ông thầy người Hàn Quốc muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh sòng phẳng, và chọn ra những cá nhân phù hợp nhất cho sơ đồ chiến thuật.

 HLV Kim Sang-sik đã chọn đến 36 cầu thủ U-23 Việt Nam và chốt danh sách cuối cùng còn lại 23 người. Ảnh: CCT.

HLV Kim Sang-sik đã chọn đến 36 cầu thủ U-23 Việt Nam và chốt danh sách cuối cùng còn lại 23 người. Ảnh: CCT.

Trong 10 ngày tập huấn tại Bà Rịa Vũng Tàu, đội tuyển không chỉ rèn thể lực mà còn tổ chức hai trận giao hữu kín với U-22 Đài Loan để kiểm tra chiến thuật, nơi HLV Kim thử nghiệm nhiều sơ đồ (4-3-3, 4-2-3-1) và linh hoạt các mảng miếng tấn công, phòng ngự. Mới nhất, ông Kim đã rút gọn xuống còn 28 cầu thủ và một tuần sau mới gạch tiếp 5 cái tên để chốt danh sách cuối cùng 23 cầu thủ sang Indonesia.

Nhiệm vụ của đội tuyển U-23 Việt Nam là bảo vệ ngôi vô địch Đông Nam Á, đồng thời sân chơi lớn này cũng là bài kiểm tra chiến lược toàn diện, từ nhân sự, chiến thuật, đến tinh thần thi đấu. Sự chuẩn bị bài bản của U-23 Việt Nam đặt nền móng cho cả vòng loại U-23 châu Á 2026 vào tháng 9 và SEA Games 33 cuối năm nay.

Ban huấn luyện U-23 Việt Nam đã dành nhiều thời gian để phân tích băng hình của các đối thủ. Đội ngũ phân tích chiến thuật cũng phối hợp cùng VFF thu thập dữ liệu mới nhất từ các trận đấu giao hữu gần đây của những đối thủ chính như chủ nhà U-23 Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Việc ông Kim muốn xây dựng một đội ngũ U-23 Việt Nam ổn định, thi đấu gắn kết và nhuần nhuyễn từ sớm sẽ tạo lợi thế lớn cho những mục tiêu dài hạn.

 Các tuyển thủ trẻ Việt Nam tích cực rèn luyện cho sân chơi lớn Đông Nam Á. Ảnh: CCT.

Các tuyển thủ trẻ Việt Nam tích cực rèn luyện cho sân chơi lớn Đông Nam Á. Ảnh: CCT.

Điểm danh các đối thủ lớn

Indonesia là một trong những ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch U-23 Đông Nam Á 2025, nhờ yếu tố sân nhà và đặc biệt là chiều sâu lực lượng cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau khi gặt hái được thành công lớn tại SEA Games 32 (vô địch sau 32 năm chờ đợi), bóng đá trẻ Indonesia tiếp tục được LĐBĐ nước này đầu tư mạnh mẽ, hướng đến các mục tiêu dài hạn như Olympic 2028 và vòng chung kết U-23 châu Á.

Đáng chú ý HLV trưởng Gerald Vanenburg, trợ lý của Kluivert ở tuyển quốc gia đã xây dựng một lối chơi mới cho các học trò giàu tính kỷ luật chiến thuật, tốc độ cao, pressing quyết liệt và thể lực dồi dào. Đội trẻ Indonesia cũng đang sở hữu dàn cầu thủ thi đấu quốc tế ngày càng đông đảo, có người đá ở châu Âu, hoặc sớm là trụ cột tại giải vô địch trong nước, nơi chất lượng chuyên môn và tốc độ được cải thiện rõ rệt.

Việc thi đấu trên sân nhà, trước hàng vạn khán giả cuồng nhiệt, chắc chắn là “vũ khí tinh thần” cực lớn. Lịch sử cũng cho thấy, mỗi lần Indonesia tổ chức giải đấu, họ đều trở thành đối thủ cực kỳ khó chịu.

 Indonesia và Thái Lan luôn là đối thủ lớn của bóng đá Việt Nam. Ành: CCT.

Indonesia và Thái Lan luôn là đối thủ lớn của bóng đá Việt Nam. Ành: CCT.

Trong khi đó, U-23 Thái Lan luôn là đối thủ truyền thống của Việt Nam ở mọi cấp độ đội tuyển. Dù không còn giữ vị thế độc tôn như xưa, họ vẫn là một thế lực không thể xem thường. Bóng đá Thái trong những năm gần đây có dấu hiệu chững lại ở cấp độ trẻ, nhưng họ vẫn duy trì một hệ thống đào tạo bài bản, nhiều cầu thủ được “xuất khẩu” sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu từ rất sớm.

U23 Thái Lan thường sử dụng lối đá kỹ thuật, thiên về kiểm soát bóng, với nền tảng kỹ năng cá nhân tốt. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của họ là khả năng phòng ngự bóng bổng và sự thiếu ổn định khi đối đầu các đội bóng có tổ chức chặt chẽ.

Malaysia cũng từng là một trong những đội tuyển trẻ mạnh nhất Đông Nam Á giai đoạn 2009-2011, với chức vô địch SEA Games và U-23 Đông Nam Á. Nhưng từ sau đó, bóng đá trẻ của họ rơi vào chu kỳ bất ổn do chuyển giao thế hệ và thiếu hệ thống đào tạo đồng đều.

 U-23 Malaysia là một ẩn số khó lường. Ảnh" CCT.

U-23 Malaysia là một ẩn số khó lường. Ảnh" CCT.

Gần đây, LĐBĐ Malaysia (FAM) đã có những cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là chính sách cho phép cầu thủ U-23 ra sân nhiều hơn tại giải quốc nội. Điểm mạnh của U-23 Malaysia là sức mạnh thể chất và lối đá trực diện, nhưng về kỹ năng phối hợp và tinh thần thi đấu, họ vẫn còn khoảng cách nhất định so với nhóm đầu khu vực.

U-23 Malaysia nằm ở bảng A với chủ nhà Indonesia, Philippines và Brunei. Đội tuyển U-23 Việt Nam rơi vào bảng B cùng Campuchia và Lào. Đội bóng trẻ Thái Lan, Đông Timor và Myanmar chung bảng C. Các đội ở mỗi bảng thi đấu vòng tròn một lượt chọn ba đội nhất bảng cùng đội nhì có thành tích tốt nhất vào bán kết.

ĐĂNG HUY - ANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/u-23-viet-nam-canh-tranh-gay-gat-o-giai-dong-nam-a-post859164.html