U.23 Việt Nam và 'vũ khí' mới

Bóng bổng luôn là điểm yếu của bóng đá Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, song lại đang là 'vũ khí' lợi hại của U.23 Việt Nam tại Giải bóng đá vô địch U.23 Đông Nam Á 2025.

Lâu nay, bóng đá Việt Nam luôn gắn liền với lối chơi kỹ thuật, ban bật, phối hợp theo nhóm nhỏ. Đó là thứ bản sắc đã được định hình từ những ngày đầu và cũng gần như “đóng đinh” vào tâm trí người hâm mộ. Đổi lại, các tuyển thủ Việt Nam không mạnh trong cách chơi bóng dài và đặc biệt là bóng bổng. Trong hệ thống thi đấu từ đội tuyển quốc gia đến các cấp độ trẻ, "không chiến" luôn được xem là điểm yếu cố hữu.

Đình Bắc đang thể hiện khả năng đánh đầu ấn tượng. Ảnh: VFF

Đình Bắc đang thể hiện khả năng đánh đầu ấn tượng. Ảnh: VFF

Tại Giải bóng đá vô địch U.23 Đông Nam Á 2025, U.23 Việt Nam đã làm thay đổi định kiến ấy, khi ghi tới 4 bàn từ những tình huống đánh đầu, chiếm hơn một nửa tổng số bàn thắng của đội (7 bàn). Các tình huống ghi bàn bằng đầu của U.23 Việt Nam ở giải lần này không phải ngẫu nhiên hay khoảnh khắc cá nhân mà được tổ chức bài bản và có ý đồ rõ ràng.

Thực tế, huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik không có “phép thuật” để giúp cầu thủ trở nên to cao hay có sức tì đè vượt trội trong thời gian ngắn. Nhưng ông lại có cách để thay đổi tư duy của họ. Với ông, bóng bổng không phải là phép thử của chiều cao mà đây là bài kiểm tra về cảm quan không gian, thời điểm và lòng dũng cảm. Các tình huống tấn công bóng bổng của U.23 Việt Nam tại giải lần này được dàn xếp với độ chính xác rất cao, mọi thứ như lập trình sẵn.

Sự khác biệt lớn nhất của U.23 Việt Nam trong các pha phối hợp tấn công bóng bổng tại giải lần này nằm ở khả năng di chuyển không bóng. Những cú đánh đầu thành bàn đều không đến từ tư thế bị động hay tranh chấp theo kiểu “ai cao hơn thì thắng”. Đó là sự chủ động di chuyển, chọn vị trí và những cái tên không có nhiệm vụ trực tiếp tác chiến sẽ đóng vai trò “khóa” đối phương để tạo khoảng trống cho đồng đội. Ngoài việc tổ chức tấn công trong vòng cấm đối phương, HLV Kim Sang-sik còn có những yêu cầu rất khắt khe với các cầu thủ tạt bóng. Bởi lẽ, dù dàn xếp tấn công hay tới đâu nhưng người chuyền không chính xác thì cũng chẳng có hiệu quả.

Đánh giá về khả năng chơi bóng bổng của U.23 Việt Nam, bình luận viên Ngô Quang Tùng, đồng thời là Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thể thao Viettel cho biết: "Các tình huống tổ chức tấn công bóng bổng của U.23 Việt Nam ở giải lần này được dàn xếp bài bản, các quả tạt cũng đạt hiệu quả rất cao. Việc U.23 Việt Nam tích cực chơi bóng bổng cũng khiến các đối thủ bất ngờ và dẫn tới lúng túng trong cách tổ chức theo bắt người. Nhưng phải nhấn mạnh là chúng ta đang dứt điểm bằng đầu rất tốt”.

Ngoài vấn đề chuyên môn, tâm lý thi đấu cũng là yếu tố rất quan trọng trong thành công của U.23 Việt Nam. Nói về điều này, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh: “Bóng bổng giờ đây là một bài đánh có ý đồ của U.23 Việt Nam chứ không phải khi gặp khó chúng ta mới sử dụng. Nhưng để có được bàn thắng từ các pha đánh đầu cũng không đơn giản, mà nó đến từ một loạt hành động được lên kế hoạch trước. Thậm chí, phải khi nào chúng ta tăng cường độ trận đấu lên thì các cơ hội như vậy mới được mở ra”.

4 bàn thắng bằng đầu là minh chứng cho sự thay đổi cả về chiến thuật lẫn tư duy chơi bóng của U.23 Việt Nam. Trước trận đấu then chốt với U.23 Indonesia tại chung kết diễn ra lúc 20 giờ ngày 29-7, bóng bổng có thể giúp U.23 Việt Nam giải quyết trận đấu, hướng tới kỷ lục lần thứ 3 liên tiếp vô địch giải đấu.

DUY ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/u-23-viet-nam-va-vu-khi-moi-838926