U ám chính trường Malaysia

Sau cuộc tổng tuyển cử lịch sử năm 2018 chấm dứt 6 thập kỷ cầm quyền của liên minh chính trị do Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đứng đầu và sự trở lại của chính trị gia 92 tuổi Mahathir Mohamad trên cương vị Thủ tướng, rất nhiều người đã kỳ vọng vào một bình minh mới cho Malaysia.

Ba năm sau, rất ít tiến bộ đạt được để mang lại những cải cách được mong đợi từ lâu, và đời sống chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này dường như còn lún sâu hơn vào những vụ bê bối, bất ổn.

Chiến thắng nằm ngoài dự đoán của liên minh giữa những cựu thù là Mahathir và phó tướng một thời của ông là Anwar Ibrahim được ca tụng như là sự "tỉnh táo trở lại" sau vụ tham nhũng gây chấn động dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy thực trạng khá u ám. Bối cảnh chính trị Malaysia hiện tại bao gồm cả sự thù hận chính trị lâu đời cùng những thay đổi gần đây của liên minh cầm quyền lẫn vị trí thủ tướng.

Chỉ vài tháng trước, ông Mahathir đã từ chức và ông Muhyddin Yassin trở thành thủ tướng tiếp theo sau những diễn biến chóng mặt. Mahathir sau đó đã kháng cáo lên Quốc vương, cho rằng ông nhận được sự ủng hộ của đa số tại Hạ viện và cáo buộc chính liên minh Hy vọng (PH) của ông đã phản bội.

Sự cạnh tranh giữa ông Mahathir và ông Anwar đã nổi nên nhanh chóng sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Ông Mahathir đã lảng tránh cam kết đưa ra năm 2018 về việc chuyển giao quyền lực cho ông Anwar, từ chối khẳng định khi nào hoặc liệu điều này cuối cùng có được thực hiện hay không.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào tháng 2 vừa qua khi ông Anwar cáo buộc cựu Thủ tướng Mahathir cố gắng thành lập một chính phủ mới gồm đảng Đoàn kết người Mã Lai bản địa (Bersatu) và UMNO nhằm loại trừ Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PRK) khỏi vai trò lãnh đạo.

Việc ông Mahathir bất ngờ từ chức đã dẫn đến sự sụp đổ của liên minh cầm quyền khi Muhyddin và nhiều nhân vật trong Bersatu đã hợp tác với một số đảng, trong đó có UMNO, để chiếm quyền điều hành đất nước với liên minh cầm quyền mới – liên minh Quốc gia (PN).

Thủ tướng Muhyddin. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Muhyddin. Ảnh tư liệu

Vì vậy, điệp khúc cũ lặp lại tại Malaysia khi UMNO đã trở lại cuộc chơi và người dân nước này một lần nữa cảm thấy thất vọng với những kết quả nghèo nàn từ chính phủ do họ bầu ra. Những mối lo ngại chính vẫn hiện hữu, từ chi phí sinh hoạt gia tăng trong khi mục tiêu tăng lương vẫn đình trệ, thiếu nhà ở giá rẻ cùng vấn nạn tham nhũng dai dẳng.

Tuy nhiên, tham nhũng tại Malaysia đã bị giáng một đòn mạnh với phiên tòa xét xử một trong những vụ bê bối lớn nhất liên quan tới quỹ 1MDB. Cựu Thủ tướng Najib bị kết án 12 năm tù với 7 tội danh. Bản án đã nhận được sự ủng hộ từ những người chỉ trích Najib, họ coi đây là chiến thắng cho người dân Malaysia.

Phán quyết chống Najib mang lại cho Thủ tướng Muhyiddin một mức độ tín nhiệm nhất định với tư cách là một nhà lãnh đạo coi trọng cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, vụ việc cũng làm dấy lên những câu hỏi về thế đa số vốn rất mong manh mà ông có tại Hạ viện.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Muhyddin đã giành chiến thắng quan trọng khi Chủ tịch Hạ viện bị thay bằng ứng cử viên được Bersatu đề cử, qua đó khẳng định thế đa số mong manh tại Hạ viện.

Tuy nhiên, sau khi một số thành viên thuộc Bersatu đào tẩu sang đảng mới của ông Mahathir, Thủ tướng Muhyddin đã buộc phải tham gia liên minh Đồng thuận (MN, gồm UMNO và đảng Hồi giáo toàn Mã Lai PAS). Điều này sẽ mang lại cho UMNO, đảng lớn nhất tại Hạ viện, thế thượng phong trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Chiến thắng của PH trong cuộc bầu cử 2018 giờ đây đã khiến nhiều người vỡ mộng. Chỉ riêng việc chuyển giao quyền lực đã chứng tỏ chính phủ mới không đủ mạnh để giải quyết nạn tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu phổ biến tại quốc gia Hồi giáo này.

Bất chấp sự xuất hiện của các đảng phái mới, tầng lớp chính trị vẫn không thay đổi và chỉ đơn giản là tham gia vào trò chơi “chiếc ghế âm nhạc.” Trên thực tế, việc chấm dứt vai trò lãnh đạo của UMNO thậm chí còn mang đến nhiều biến động chính trị, sự bất ổn và khó đoán định.

Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi các mạng lưới bảo trợ và nạn tham nhũng cố hữu đã hạn chế khả năng của chính phủ trong việc thúc đẩy chương trình cải cách nhằm chấm dứt tình trạng tham nhũng. Cơ hội của chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và vận hành các chính sách “Malay trên hết” của Malaysia dường như cũng rất xa vời.

Gần đây, cựu Thủ tướng Mahathir đã thành lập đảng chính trị mới với tên gọi Đảng Chiến binh dân tộc sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử tới – sẽ được tổ chức bất cứ khi nào có thể. Đảng này không liên kết với bất kỳ liên minh nào hiện có. Ông Mahathir cho biết, đảng này sẽ dựa trên nền tảng người Mã Lai và sẽ tập trung đấu tranh chống tham nhũng và đảm bảo Malaysia sẽ trở thành một con hổ châu Á.

Tuy nhiên, với những thách thức ngày càng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu do Covid-19 và các mối đe dọa đối với an ninh khu vực, tình hình chính trị trong nước sẽ hạn chế khả năng ứng phó của Malaysia trước các thách thức bên ngoài.

Cuộc đấu đá nội bộ giữa các đảng phái chính trị khiến tương lai của Malaysia bị đe dọa, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng do Covid -19 hiện nay. Nếu chính trường vẫn tiếp diễn như hiện tại, Malayisa có nguy cơ tụt lùi so với vị trí trước đây - một trong những quốc gia thành công về tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á - cũng như tự gây khó cho mình khi mất đi các cơ hội tối ưu để phục hồi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid -19.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/u-am-chinh-truong-malaysia-208964.html