Ðủ 'hành trang' khi khai thác trên biển

Những cơn mưa xuất hiện với tần suất càng dày hơn, những đợt gió mỗi lúc một mạnh lên, triều cường ngày càng cao hơn..., là dấu hiệu cảnh báo hiểm nguy luôn rình rập trong cuộc mưu sinh của cư dân ven biển.

Cơn mưa biển đến bất chợt và kết thúc cũng khá chóng vánh chỉ trong vài phút, nhưng để lại cho những ngư dân mưu sinh ven biển nhiều nỗi lo; lo cho cuộc sống hằng ngày, lo cho an toàn bản thân trong mỗi chuyến ra khơi và cả những người thân ở nhà..., bởi gió mùa Tây Nam đã chính thức bắt đầu.

Cũng như thông lệ hằng năm, vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm gió mùa Tây Nam hoạt động. Thời gian này thường xuất hiện những đợt sóng to, gió lớn trên biển; mưa lớn cục bộ kèm theo dông lốc trên đất liền... Ðây sẽ là những ngày thật sự khó khăn đối với ngư dân vùng ven biển trong hành trình mưu sinh.

Ngư dân vàm Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Ngư dân vàm Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Chúng tôi ghé tránh mưa trong căn lều tạm của anh Nguyễn Văn Vũ ngoài đê biển Tây (khu vực Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Vừa gặp chúng tôi, anh Vũ than vãn: "Căng tấm bạt cùng vài tàu lá để làm chỗ trú nắng, trú mưa nhưng bị lực lượng chức năng “hỏi thăm” và vận động tháo dỡ liên tục. Biết ở đây là vi phạm và thiếu an toàn nhưng đâu còn cách nào khác. Bởi hiện nay các cống ven biển đều đóng nên ra vào vô cùng khó khăn; vỏ máy, lưới... đều nằm ngoài biển nên phải theo ở để giữ”.

Tham gia khai thác ven biển với nghề lưới cá ngát, ghẹ và cá đối hơn chục năm qua, anh Vũ cho biết: “Nghề này giờ đây khó khăn lắm, có ngày may mắn cũng kiếm được 500-700 ngàn đồng, có lúc thì 200-300 ngàn đồng, cũng có lúc không có đồng nào. Như bữa nay, tàu nhỏ, sóng này đâu dám ra, phải núp trong kè từ sáng tới giờ”.

Bình quân khoảng 400-500 ngàn đồng mỗi ngày là số tiền không nhỏ của 1 ngày công lao động. Nhưng để có được khoản thu nhập ấy, ngư dân vùng ven biển phải luôn đối diện với những rủi ro rình rập, nhất là vào thời điểm gió mùa Tây Nam như hiện nay. “Giờ làm nghề biển, đủ ăn là mừng rồi. Khu vực gần bờ giờ cá tôm ít lắm, nhưng đi xa hơn thì không dám do phương tiện nhỏ quá”, anh Vũ trần tình.

Tranh thủ thời gian không ra biển, anh Vũ sửa sang lưới cụ cho chuyến tiếp theo.

Tranh thủ thời gian không ra biển, anh Vũ sửa sang lưới cụ cho chuyến tiếp theo.

Bên cạnh những phương tiện công suất lớn được trang bị hiện đại để vươn khơi bám biển, thì toàn tỉnh hiện còn không ít tàu công suất nhỏ, phương tiện thủy gia dụng được cải hoán để tham gia khai thác gần bờ theo kiểu sáng ra, chiều vào. Mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 8-10 giờ và trên mỗi tàu thường chỉ có 2-3 lao động, thậm chí 1 người.

Tàu nhỏ, lại ít người nên mỗi chuyến ra biển là một lần đối diện với hiểm nguy. Anh Nguyễn Văn Tới, ấp Kinh Hòn, xã khánh Bình Tây, chia sẻ, mặc dù sáng ra chiều vô nhưng cũng không thể chủ quan. Ngoài việc theo dõi thông tin dự báo thời tiết thì cần có kinh nghiệm để phán đoán thời tiết; bởi mùa này dông lốc xảy ra bất ngờ lắm, chỉ một chút chủ quan là hậu quả khó lường.

Phương tiện nhỏ, độ an toàn thấp là thực tế mà hầu như ngư dân nào cũng nhận thấy. Tuy nhiên, vì mưu sinh, đôi lúc họ chấp nhận rủi ro. Và rủi ro thiên tai hiện nay mỗi lúc một lớn hơn khi mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc xoáy cho đến triều cường... diễn biến mỗi lúc một phức tạp, khó lường, với cường độ và tần suất càng tăng. Thực tế này đồng nghĩa với ngư dân ven biển luôn phải đối diện với nguy cơ thiệt hại nếu xảy ra thiên tai.

Ðể đảm bảo an toàn trong khai thác thủy sản, nhất là vùng ven biển bãi ngang, ngư dân cần tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết mỗi khi ra biển. Cụ thể như: thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thời tiết; kiểm tra, bảo dưỡng máy móc; trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh để đề phòng sự cố xảy ra trên biển.

Để bảo vệ tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc, ngăn chặn tác động của triều cường, sóng lớn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất bên trong, nhiều lớp kè đã được triển khai xây dựng.

Để bảo vệ tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc, ngăn chặn tác động của triều cường, sóng lớn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất bên trong, nhiều lớp kè đã được triển khai xây dựng.

Ðể giúp ngư dân ven biển và người dân toàn tỉnh ứng phó kịp thời với tác động thiên tai, UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, bên cạnh những giải pháp phi công trình để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại thiên tai thì kế hoạch còn đề ra nhiều giải pháp công trình cần được tập trung đầu tư nâng cấp. Trong đó có đầu tư cụm loa truyền thanh cho các xã, thị trấn ven biển để thuận tiện trong công tác thông tin và cảnh báo thiên tai. Nạo vét, giải tỏa chướng ngại vật trên các tuyến sông, luồng lạch đi vào các khu neo đậu tránh trú bão và các điểm quy hoạch bố trí neo đậu tàu thuyền.

Kế hoạch cũng xác định, trong trường hợp xảy ra thiên tai, triển khai kế hoạch, phương án ứng phó kịp thời, sát tình hình thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”. Kêu gọi, hướng dẫn phương tiện khai thác thủy sản vào nơi neo đậu an toàn; lập các chốt kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển để kiểm tra; thực hiện lệnh cấm biển, cấm di chuyển trên sông, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền khi có bão. Phối hợp với các đơn vị làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn di dời, sơ tán dân trên các đảo đến nơi an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới; phối hợp tìm kiếm thuyền viên mất tích, xử lý các sự cố tàu thuyền trên biển...

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/du-hanh-trang-khi-khai-thac-tren-bien-a32782.html