U lympho ruột non khiến cơ hội sống của cụ bà mong manh

Bệnh nhân N.T.L. (71 tuổi, Hà Nội) có tiền sử u lympho tế bào B đã phẫu thuật cắt đoạn ruột và điều trị hóa chất nhiều đợt tại bệnh viện ở nước ngoài từ năm 2015.

Cuối tháng 7/2022, bệnh nhân chán ăn, sút cân, đại tiện phân đen, thể trạng suy kiệt, mệt mỏi. Sau quá trình điều trị nhiều nơi, bệnh nhân không tiến triển, xuất huyết ngày càng nặng, tiên lượng xấu, khả năng sống quá thấp.

Với hi vọng "còn nước còn tát", gia đình đưa bệnh nhân vào Khoa Ung bướu, BVĐK Hà Đông trong tình trạng rất nặng: Thể trạng gầy, suy kiệt, da xanh tái, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp dao động, đại tiện phân đen liên tục, huyết sắc tố còn 50g/l (bình thường 140-150g/l).

Các bác sĩ đã tích cực truyền máu, nâng cao thể trạng và tìm nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa. Sau khi xác định khối u lympho tái phát ở ruột non gây chảy máu, hội chẩn với các bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa và gây mê hồi sức, bệnh nhân được lên lịch phẫu thuật để xử lý nguyên nhân chảy máu.

Đoạn ruột non của bệnh nhân L chứa khối u và quai ruột bị thủng đã được cắt

Đoạn ruột non của bệnh nhân L chứa khối u và quai ruột bị thủng đã được cắt

BSCKII Bùi Đức Duy - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa nhận định trước mổ: "Đây là một trường hợp bệnh phức tạp, bệnh nhân đã có mổ cũ, thể trạng bệnh nhân suy kiệt, ung thư đã điều trị nhiều năm, xuất huyết rất nặng do khối u tái phát ở ruột non, sa lồi thành bụng do mổ cũ.

Tiên lượng cuộc mổ vô cùng khó khăn do bệnh nặng, thể trạng suy kiệt, thiếu máu, viêm phổi… dính do mổ cũ, u tái phát xâm lấn các tạng, mạch máu... Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật thì tình trạng chảy máu sẽ càng ngày càng trầm trọng và bệnh nhân sẽ không qua khỏi".

Cuộc phẫu thuật đã tiến hành trong hơn ba giờ đồng hồ, đúng như nhận định ban đầu, tổn thương phức tạp gồm khối u ruột non lớn 5x6 cm là nguyên nhân chính gây chảy máu, xâm lấn 1 quai ruột non bên cạnh gây thủng và xâm lấn đáy bàng quang, thành bụng sa lồi và dính ruột do mổ cũ.

Đoạn ruột non 50cm chứa khối u và quai ruột bị thủng đã được cắt đi, gỡ dính do mổ cũ, phục hồi lại thành bụng sa lồi.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân.

Do thể trạng bệnh nhân quá yếu, suy kiệt, thiếu máu, dinh dưỡng, bệnh cảnh ung thư… nên sau mổ rất nhiều nguy cơ như: Xì, rò miệng nối, chậm liền vết mổ... Đồng thời do tình trạng viêm phổi, thiếu máu, suy kiệt… bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ bội nhiễm, khó cai máy thở. Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa, Gây mê, Hồi sức tích cực, Huyết học, Ung bướu, Dinh dưỡng… theo dõi sát sao, điều trị tích cực.

Sau mổ ngày thứ 10, bệnh nhân đã có thể tự ngồi được, ăn uống tốt, đại tiện bình thường, không còn tính trạng chảy máu và được xuất viện trong niềm vui mừng của gia đình và các y bác sĩ.

BS. Bùi Đức Duy cho biết, theo các báo cáo, thống kê hàng năm nước ta có nhiều bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh, tốn rất nhiều tiền bạc và công sức, tuy nhiên ngay tại trong nước, nhiều bệnh viện có đội ngũ y tế chất lượng cao, máy móc hiện đại, đồng bộ vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa của người bệnh mà không nhất thiết phải ra nước ngoài.

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/u-lympho-ruot-non-khien-co-hoi-song-cua-cu-ba-mong-manh-169221026114846623.htm