U19 Việt Nam đoạt vé dự VCK U19 châu Á: Còn đó nỗi lo!
U19 Việt Nam cuối cùng cũng đoạt vé dự VCK U19 châu Á 2020 sau trận hòa 0-0 với Nhật Bản. Dù vậy, vẫn còn đó nhiều nỗi lo.
Sau khi U16 Việt Nam để tuột vé dự VCK U16 châu Á 2020, người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Philippe Troussier sẽ đoạt vé dự VCK U19 châu Á để bóng đá trẻ Việt Nam có thêm những giải đấu chất lượng trước khi nghĩ đến những đấu trường lớn hơn.
Thực tế, mục tiêu này đã hoàn thành sau trận đấu U19 Việt Nam cầm hòa 0-0 với U19 Nhật Bản tối 10/11. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua của U19 Việt Nam ở vòng loại U19 châu Á lần này, chúng ta không thể không lo lắng với "lứa kế cận" của bóng đá Việt Nam.
Không kiểm soát được trận đấu trước những đối thủ yếu
Ở 2 trận đấu đầu tiên của vòng loại U19 châu Á 2020, U19 Việt Nam dù chỉ phải gặp những đối thủ yếu hơn, thậm chí là yếu hơn rất nhiều là Mông Cổ và Guam nhưng đã thi đấu cực kỳ chật vật.
Trước khi ghi bàn mở tỷ số trong trận gặp Mông Cổ với cú sút xa của Thanh Khôi, U19 Việt Nam loay hoay không biết tìm cách nào để xuyên thủng được hàng thủ đối phương. Những pha phối hợp rườm rà, không có tính đột biến khiến đối thủ dễ dàng hòa giải. Thậm chí nếu không có may mắn và sự tâp trung của thủ thành Y Eli Niê thì U19 Việt Nam đã phải nhận bàn thua trước.
Đến trận thứ 2 gặp Guam, khi đối thủ còn ở mức kém hơn Mông Cổ, U19 Việt Nam dù có bàn thắng sớm nhưng vẫn mắc những sai sót ở hàng thủ để rồi phải nhận bàn thua. Sau bàn thua ấy, đáng ngạc nhiên là U19 Việt Nam còn thi đấu với tâm lý sợ hãi, không thể triển khai bóng và để đối thủ có phần lấn lướt.
Không thể hiện được nhiều trước Nhật Bản
U19 Việt Nam đã cầm hòa được đối thủ mạnh Nhật Bản nhưng nếu nói các cầu thủ của HLV Philippe Troussier đã thật sự có 1 trận đấu xuất sắc thì e là hơi khiên cưỡng.
Thử tưởng tượng nếu U19 Nhật Bản vào trận với tâm lý buộc phải thắng, chắc chắn họ sẽ đá khác và buộc U19 Việt Nam phải vất vả phòng ngự. Tuy nhiên, khi chỉ cần 1 trận hòa để đoạt vé dự VCK, đại diện Đông Á chơi cũng chỉ ở mức độ vừa phải. Họ chỉ tăng tốc ở một vài thời điểm nhất định và sau khi tiền đạo chủ lực bị thẻ đỏ thì Nhật Bản cũng không muốn tấn công nữa.
U19 Việt Nam chỉ thể hiện được tinh thần thi đấu cùng ý thức tuân thủ chiến thuật ở trận đấu với Nhật Bản còn những vấn đề về chuyên môn và kỹ năng thi đấu vẫn không có nhiều cải thiện so với 2 trận đấu trước đó.
Kỳ vọng gì ở VCK U19 châu Á?
Tất nhiên với những đội bóng trẻ, việc phong độ thi đấu trồi sụt và kỹ chiến thuật còn có nhiều điểm hạn chế là bình thường nhưng với một lứa cầu thủ đã được đầu tư không ít để thi đấu và tập huấn trong hơn 1 năm qua, nhưng những vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết thì đó là tín hiệu không vui chút nào.
Lứa cầu thủ U19 Việt Nam đã từng chơi tốt ở những giải giao hữu như U19 quốc tế ở Nha Trang, U19 GSB Cup ở Bangkok (Thái Lan) khi thắng người Thái, có những phút khiến Hàn Quốc vất vả nhưng lại chơi rối rắm, không thể hiện được nhiều về năng lực ở những giải chính thức như U18 Đông Nam Á hay phần nào đó là vòng loại U19 châu Á vừa kết thúc.
Điều đó cho thấy các cầu thủ U19 Việt Nam hiện tại chưa thật sự sẵn sàng cho những giải đấu có tính chất quan trọng, áp lực lớn. Tâm lý các cầu thủ không ổn định khi gặp sức ép lớn.
VCK U19 châu Á 2020 sẽ còn là giải đấu khốc liệt và áp lực hơn rất nhiều. Vì thế sẽ khó có thể kỳ vọng vào 1 kết quả vượt ngưỡng của U19 Việt Nam tại giải đấu sau đây 1 năm nếu những vấn đề cơ bản của lứa cầu thủ này không được cải thiện.
Dẫu sao, thời gian 1 năm tới vẫn còn đủ dài để “Phù thủy trắng” Philippe Troussier có những sự điều chỉnh phù hợp nhằm '"lột xác" cho lứa cầu thủ được "quy hoạch" cho World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam./.