U23 Việt Nam: Vì sao cầu thủ Việt kiều khó trụ lại?

Phần lớn các cầu thủ Việt kiều khi trở về quê hương khoác áo từ cấp độ U17 đến U23 Việt Nam đều không thể trụ lại, dù rất được kỳ vọng. Lý do vì đâu?

Gọi tên những "ước mơ dang dở"

Câu chuyện về những cầu thủ Việt kiều trở về quê hương khoác áo các đội tuyển trẻ luôn tạo ra cho người hâm mộ nhiều hy vọng. Thế nhưng, thực tế khắc nghiệt lại cho thấy, hành trình để họ trụ lại và đóng góp cho nền bóng đá nước nhà là không dễ dàng.

Mới đây nhất, tiền đạo trẻ Bùi Alex, trưởng thành từ lò đào tạo Bohemians Praha (CH Czech), đã phải nói lời chia tay U23 Việt Nam ngay trước thềm giải U23 Đông Nam Á. Trước đó, Andrej Nguyễn An Khánh cũng sớm rời đi sau khi trở về nước.

Bùi Alex được kỳ vọng, nhưng rốt cuộc không thể giành suất dự giải U23 Đông Nam Á

Bùi Alex được kỳ vọng, nhưng rốt cuộc không thể giành suất dự giải U23 Đông Nam Á

Ở cấp độ U17, những trường hợp như Thomas Mai Veeren, người có màn thể hiện ấn tượng ở giải trẻ Hà Lan, hay Maxwell James Peereboom, dù được kỳ vọng nhưng cũng đều không thể thuyết phục được ban huấn luyện để góp mặt trong những giải đấu quan trọng.

Những cái tên nói trên không phải cá biệt, không ít Việt kiều từng được kỳ vọng, mang trên mình mác "tài năng trẻ châu Âu", nhưng rồi lại lặng lẽ rời đi mà chưa kịp để lại dấu ấn đáng kể nào trong màu áo các đội tuyển trẻ Việt Nam.

Đâu là rào cản ngăn bước?

Việc các cầu thủ Việt kiều không thể trụ lại ở các đội tuyển trẻ thường được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Một phần có thể đến từ sự "thổi phồng" năng lực dựa trên việc họ đang chơi bóng ở môi trường châu Âu. Đôi khi, cái mác "Việt kiều" vô tình tạo ra những kỳ vọng lớn hơn so với thực tế.

Tuy nhiên, lý do sâu xa và mang tính quyết định hơn cả có lẽ nằm ở sự khác biệt về văn hóa bóng đá và đời sống, tới ngôn ngữ hay cả thời tiết.

Các cầu thủ trẻ lớn lên và được đào tạo ở châu Âu quen với một môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật cao, cùng với đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực và cả phong cách sinh hoạt.

Thành công như Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm là khá hiếm

Thành công như Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm là khá hiếm

Khi trở về Việt Nam họ phải đối mặt với những thay đổi lớn, đòi hỏi thời gian và khả năng thích nghi cao. Không ít trường hợp gặp khó khăn trong việc hòa nhập với đồng đội, hay tới việc làm quen với triết lý bóng đá khác biệt.

Những trường hợp thành công hiếm hoi như Viktor Lê, Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm hay Cao Quang Vinh đều có một điểm chung quan trọng: họ đã có thời gian chơi bóng hoặc sinh sống ở Việt Nam trước đó.

Thậm chí, trước khi thành danh và đóng vai người hùng trong màu áo tuyển Việt Nam, Đặng Văn Lâm còn trải qua quãng thời gian khủng hoảng vì những khác biệt về văn hóa, sự hòa nhập.

Từ những tấm gương thành công nói trên, xem chừng để có thể cống hiến cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam các cầu thủ Việt kiều cần trở về quê nhà chơi bóng.

Nhưng, đây rõ ràng là lựa chọn không dễ dàng bởi thực tế môi trường bóng đá Việt Nam dường như chưa bao giờ đủ sức hút đối với nhóm cầu thủ Việt kiều trẻ, vẫn còn cơ hội phát triển.

Đây là bài toán không dễ có lời giải một sớm một chiều cho cả các cầu thủ lẫn những nhà quản lý bóng đá Việt Nam.

Duy Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/u23-viet-nam-vi-sao-cau-thu-viet-kieu-kho-tru-lai-2421244.html