U23 Việt Nam vs U23 Đài Loan - khởi đầu của thế hệ mới
U23 Đài Loan (Trung Quốc) là đối thủ phù hợp để huấn luyện viên Park Hang-seo trình làng thế hệ U23 Việt Nam mới mẻ, đang được nhào nặn để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn.
So với lứa cầu thủ vào chung kết U23 châu Á 2018, hay thế hệ vô địch SEA Games 2019, lứa U23 Việt Nam hiện nay kém nổi hơn. Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Đặng Văn Tới, Nguyễn Hai Long, Dụng Quang Nho được chơi bóng tại V.League. Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Hữu Thắng góp mặt ở nhiều cấp độ trẻ. Tuy nhiên, dàn cầu thủ HLV Park Hang-seo đang nắm trong tay ở khoảng cách xa về kinh nghiệm, trình độ so với đàn anh.
Sau thời gian bóng đá Việt Nam thăng hoa với sức trẻ, khoảng trống thế hệ bắt đầu hình thành. U23 Việt Nam sống trong hoài nghi, nhưng gánh trên vai trách nhiệm lớn không kém lứa tiền nhiệm.
Thế hệ mới của thầy Park
Đã gọi là “thế hệ vàng”, bóng đá Việt Nam phải chấp nhận thực tế nhiều năm nữa mới sản sinh ra lứa cầu thủ tài hoa như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng của thế hệ 1995-1997.
Nước Bỉ, với nền bóng đá sở hữu đội tuyển đứng số một thế giới, phải mất tới hàng thập niên mới có thế hệ vàng của Kevin de Bruyne, Thibaut Courtois, Eden Hazard. Ở cấp độ thấp hơn, bóng đá Thái Lan thụt lùi sau SEA Games 2015, khi thế hệ đàn em kém xa lứa Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan về triển vọng.
Với số trung tâm đào tạo bóng đá đạt chuẩn còn khiêm tốn ở Việt Nam, việc đòi hỏi lứa nào cũng đầy ắp nhân tài là chuyện bất khả thi.
Tuy nhiên, một nền bóng đá muốn vươn tầm phải có sự tiếp nối hài hòa. Lứa U23 Việt Nam năm 2018 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống trị Đông Nam Á và dạm từng bước ra châu Á, lứa U23 Việt Nam năm 2020 dù thất bại ở châu Á, song giải được cơn khát vàng SEA Games. Còn sứ mệnh của lứa U23 Việt Nam hiện tại là gì?
Trở lại mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong 5 năm tới, đó là vòng chung kết World Cup 2026 tổ chức ở Bắc Mỹ với 48 đội tranh tài. Số đội tăng gấp rưỡi, đồng nghĩa cơ hội cho tuyển Việt Nam cũng tăng lên. Chính những người làm bóng đá Việt Nam cũng thừa nhận vòng loại World Cup 2022 là tiền đề cho giấc mơ World Cup 2026.
Thời điểm ấy, lứa cầu thủ U23 HLV Park đang có trong tay sẽ ở tuổi 24-25, bằng Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn hay Phan Văn Đức bây giờ. Họ phải trở thành trụ cột đội tuyển quốc gia, ở ngưỡng đẹp nhất sự nghiệp. Kỳ vọng đặt lên vai Việt Anh, Văn Xuân rất lớn. Thành bại của thế hệ này sẽ ảnh hưởng kế hoạch dài hạn của bóng đá Việt Nam nhiều năm tới.
World Cup là viễn cảnh tương lai. Để bước tới nhiệm vụ rất xa kia, U23 Việt Nam phải vượt qua từng nấc thang, trước tiên là vòng loại U23 châu Á - thử thách ba lứa U23 trước đây đều chinh phục.
So với các kỳ vòng loại trước đây, vòng loại năm 2022 có lẽ là chiến dịch dễ thở nhất trong lịch sử. U23 Việt Nam nằm ở bảng 3 đội, với 2 đối thủ dưới cơ hoàn toàn là U23 Đài Loan (Trung Quốc) và U23 Myanmar. Màn thể hiện của cầu thủ ở vòng loại, vì thế có thể không phải thước đo đánh giá trình độ lứa U23 HLV Park đang có. Dù vậy, hình hài của thế hệ mới bóng đá Việt Nam sẽ phần nào được thể hiện.
Mọi lứa cầu thủ đều chịu áp lực của so sánh, thậm chí dè bỉu nếu lứa trước quá thành công. U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn từng hứng cơn mưa chỉ trích sau thất bại 0-6 trước Thái Lan và 2-5 trước Australia, lần lượt ở giải U19 Đông Nam Á 2015, 2016, chỉ vì thế hệ U19 với nòng cốt khóa I và II của HAGL trước đó quá thành công.
Để rồi, lứa cầu thủ này giúp bóng đá sân 11 của Việt Nam lần đầu có vé dự World Cup giải trẻ năm 2017.
Khởi đầu thuận lợi
U23 Đài Loan (Trung Quốc) chuẩn bị kỹ lưỡng cho vòng loại U23 châu Á khi tới Kyrgyzstan từ ngày 15/10. Đội bóng của HLV Chen Junming cũng có 3 cầu thủ kinh nghiệm là Liang Men-hsing, Wu Yen-shu, Lin Ming-wel.
Những đội trẻ đến từ Hong Kong (Trung Quốc) hay Đài Loan (Trung Quốc) thường tập hợp của các sinh viên chơi bóng. Lúc 17h ngày 27/10, đối thủ của học trò thầy Park còn có thể là những công nhân nhà máy.
“Có thể họ cũng sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng đó là những trường hợp hiếm hoi. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc dù phải gặp những đội mạnh”, HLV Chen Junming nói. “Chúng tôi đã điều chỉnh chiến thuật cho trận đấu đầu tiên với U23 Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ giành kết quả tốt nhất. Tôi mong họ thể hiện tốt nhất có thể”.
Ngay trước giải đấu, HLV Von Ca-nhum của U23 Đài Loan (Trung Quốc) bị đình chỉ nhiệm vụ vì bao che cho các cầu thủ đi uống rượu sau trận gặp Indonesia. Đứt gãy trong quá trình chuẩn bị, cộng với thực lực không được đánh giá cao, U23 Đài Loan (Trung Quốc) khó trở thành vật cản lớn.
4 năm qua, U23 Đài Loan (Trung Quốc) cũng không có nổi một trận thắng. Thành tích tốt nhất của họ chỉ là trận hòa 1-1 trước U23 Campuchia ở vòng loại U23 châu Á 2020.
Vấn đề nằm ở U23 Việt Nam sẽ chơi thế nào, vận hành chiến thuật ra sao. Ở các trận gặp Tajikistan và Kyrgyzstan, U23 Việt Nam thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau, từ sơ đồ 3 hậu vệ đến 4 hậu vệ, chơi pressing chủ động đến kiểm soát bóng, từ phòng ngự phản công đến tấn công. U23 Việt Nam bất bại 2 trận, nhưng màn thể hiện chưa khiến HLV Park Hang-seo hài lòng. Đội U23 thiếu nhân tố nổi trội, lại có quá ít trận đấu sánh vai cùng nhau.
Ngoại trừ những suất cứng, nơi dàn cầu thủ CLB Hà Nội chiếm thế thượng phong với Văn Xuân, Việt Anh, Văn Tới, Quan Văn Chuẩn, Hai Long, cùng Hữu Thắng, Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Bình, một số vị trí trên sân vẫn đang là dấu hỏi lớn. U23 Việt Nam chưa có thời gian thi đấu để khớp đội hình.
2 năm qua, V.League bị hoãn, hủy liên tục, SEA Games bị lùi, các trận quốc tế là trải nghiệm xa xỉ,... các trụ cột U23 Việt Nam chỉ tập, rồi giao hữu nội bộ với tuyển quốc gia. Đến lúc này, U23 Việt Nam vẫn vừa đá, vừa sửa, và trận đấu với U23 Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay là cữ dợt tiếp theo.