U23 Việt Nam vs UAE - thử thách đầu tiên cho giấc mơ Olympic
Không có hàng loạt trụ cột ở hàng thủ và đối đầu U23 UAE của chiến lược gia giàu kinh nghiệm Maciej Skorza, U23 Việt Nam vẫn phải chiến thắng vì giấc mơ Olympic.
“Quan sát của tôi cho thấy đôi khi, động lực thi đấu là vấn đề với họ. Thật khó để gây áp lực tới những người giàu và không cần làm việc. Tiêu chuẩn sống tại UAE luôn ở mức trung bình cao. Họ không phải lo lắng về ngày mai. Họ chỉ phải chơi bóng, có một công việc tốt, tận hưởng nó. Nhưng vì tất cả những điều đó, họ không thể phát triển tối đa”.
“Có một nhóm khác những cầu thủ tới từ các gia đình nghèo hơn, những người sau khi ký được hợp đồng thì cảm thấy mình giống như vừa trúng xổ số. Tôi đã nói chuyện trước với họ. 2 năm trước, trong đợt tập trung đầu tiên. Tôi phải đối diện với cảnh những siêu xe Porsche Carrera và Ferrari cùng xuất hiện ở bãi đậu. Được sống trong sự phồn hoa, những người trẻ này không thực sự khát khao lao động. Giới hạn của họ thấp hơn nhiều so với những người chơi bóng để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tháng 10/2019, chia sẻ với tờ báo Ba Lan TVP Sport, HLV trưởng tuyển U23 UAE Maciej Skorza đã miêu tả về những học trò của mình. Đó cũng là miêu tả chính xác nhất về cá tính cầu thủ UAE, đối thủ đầu tiên của U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Nền bóng đá dưới bánh xe Porsche
UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) là quốc gia giàu có nằm ở Tây Á. Sở hữu nguồn dầu mỏ dồi dào, UAE đã xây dựng đất nước với nền kinh tế phát triển, có hệ thống hạ tầng cơ sở hiện đại. Dù không nằm trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu, UAE có chỉ số thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới. Người UAE bản địa cũng được hưởng hàng loạt chính sách chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, được hỗ trợ rất lớn về mọi mặt. Đây cũng là quốc gia sử dụng nhiều lao động nhập cư trong hàng loạt lĩnh vực.
Như chính HLV Skorza, người bước qua năm làm việc thứ 3 ở UAE thừa nhận, cuộc sống có phần dễ dàng đã ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của bóng đá UAE.
Khác với Qatar, quốc gia Tây Á có những đặc điểm, chung về kinh tế, bóng đá UAE không có nền tảng đào tạo trẻ tốt và sự căn cơ tương tự. Người Qatar vốn nổi tiếng với lò đào tạo Aspire và đã vô địch châu Á nhờ đội hình có hàng loạt cầu thủ của lò này. Bóng đá UAE không có hệ thống tương tự. Phóng viên Zing.vn từng xâm nhập những cơ sở đào tạo của UAE hồi Asian Cup 2019. Rất khó tìm được không khí rộn ràng hay sự háo hức từ những cầu thủ trẻ bản địa.
Thứ bóng đá UAE có nhiều nhất có lẽ là sức mạnh tài chính. Ngược lại, thứ họ có ít nhất là lòng kiên nhẫn.
Điều đầu tiên giúp người UAE chiêu mộ những HLV hàng đầu thế giới. Điều thứ hai khiến họ đánh mất những người này. Chỉ tính từ 2017 tới 2019, 4 HLV khác nhau đã ngồi ghế nóng tuyển quốc gia UAE Edgardo Bauza (Argentina), Alberto Zaccheroni (Italy), Bert van Marwijk (Hà Lan) và Ivan Jovanovic (Serbia).
Bất chấp đẳng cấp và danh tiếng, chỉ cần một thất bại, họ sẽ phải chia tay đội tuyển Tây Á. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các cấp độ trẻ hơn. Skorza nhớ lại: “Bóng đá ở đây nhiều thách thức, đội tuyển của họ thay 4 HLV trong 3 năm. Tôi từng làm việc cùng HLV U19 UAE Ludovic Batelli. Ông ấy vô địch U19 châu Âu với tuyển Pháp của Kylian Mbappe. Vài tháng cầm quân ở UAE, liên đoàn cảm ơn và sa thải ông ấy. Nhiều người từng nghĩ thời gian của tôi tại Dubai sẽ sớm kết thúc. Một HLV làm việc ở đây trên 2 năm là điều khác thường. Đôi khi, chúng tôi vẫn đùa về chuyện này”.
Ngày này một năm trước, UAE và Qatar gặp nhau trong trận bán kết Asian Cup 2019. Đó là cơ hội bằng vàng để hai quốc gia có những tương đồng về kinh tế này cho thấy sự khác biệt của họ. Qatar vào trận với đội hình trẻ trung của Felix Sanchez, người sau đó sẽ trở thành nhà vô địch. UAE vào trận bằng cơn mưa tiền theo nghĩa đen khi Hoàng thân Nahyan bin Zayed Al Nahyan chi tiền mua sạch vé để ngăn CĐV Qatar vào sân. Dù vậy, UAE vẫn thua chung cuộc 0-4.
Maciej Skorza - người hai lần bất bại trước HLV Park
Dù vậy, đó không phải là lý do chúng ta có thể đánh giá thấp U23 UAE trước trận gặp Việt Nam. Trong nhóm HLV các đội tuyển UAE, ông Maciej Skorza là cái tên trụ lại lâu hơn tất cả. Chiến lược gia người Ba Lan dẫn dắt UAE từ đầu năm 2018 và làm tốt việc của mình cho tới hôm nay.
Ông đã 2 lần đối mặt với thầy trò Park Hang-seo, thắng Olympic Việt Nam ở trận tranh HCĐ Asian Games 2018, hòa U22 Việt Nam khi giao hữu ở TP.HCM tháng 10 năm ngoái. 2 năm dưới trướng Skorza, U23 UAE có những thay đổi đáng kể.
Giống như tuyển quốc gia UAE, đội bóng thua Việt Nam ở vòng loại World Cup hồi 11/2019, U23 UAE có những điểm tương đồng về lối chơi. Họ không phải những tập thể có khả năng kiểm soát bóng tốt, không có nhiều mảng miếng phối hợp đặc biệt. Bù lại, cầu thủ U23 UAE có thể hình tốt, kỹ thuật cơ bản ở mức khá. So với tuyển quốc gia, tinh thần mới là sự khác biệt của U23 UAE.
Cả 2 lần gặp Việt Nam, họ đều thể hiện rõ điều đó. Olympic UAE chơi trọn 120 phút, thể hiện sự lỳ lợm và chiến thắng trên chấm phạt đền ở Asian Games. Tới trận giao hữu năm ngoái, họ dẫn trước đối thủ, chơi hay hơn và là đội dồn ép U22 Việt Nam trong 10 phút cuối trận. Hai năm dưới thời Maciej Skorza đã giúp cầu thủ U23 UAE vượt qua những đặc điểm cố hữu của nền bóng đá. Khả năng tập trung cao ở thời điểm cuối, sự máu lửa trong thi đấu, khát vọng chiến thắng là sự khác biệt của đội tuyển này.
Năm 2019, U23 UAE không thua một trận nào. Họ đánh bại U23 Syria, Uzbekistan, Lebanon, cầm hòa Saudi Arabia, Việt Nam và Hàn Quốc. Tháng 9 năm ngoái, Bert van Marwijk phải gọi tới 9 cầu thủ U23 lên tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup, bằng chứng cho sự thừa nhận về thực lực của họ. So với U23 Việt Nam, tỷ lệ tuyển thủ trong đội hình U23 UAE không hề kém cạnh.
Đó chắc chắn sẽ là đối thủ cực kỳ đáng gớm với thầy trò HLV Park trong ngày khai mạc.
Thách thức dành cho thầy trò Park Hang-seo
Trước một đối thủ lỳ lợm, đang có phong độ tốt như U23 UAE, thầy trò HLV Park Hang-seo lại không có được lực lượng tốt nhất, đặc biệt ở hàng phòng ngự.
U23 Việt Nam chắc chắn không có Hồ Tấn Tài vì thẻ phạt trong khi bộ đôi Trần Đình Trọng, Đỗ Thanh Thịnh mới bình phục chấn thương, khả năng thi đấu còn bỏ ngỏ. Ngay cả khi ra sân, họ chắc chắn không thể đạt được phong độ tốt nhất.
Mất 3 hậu vệ tốt, tính toán của ông Park ở hàng thủ sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt. U23 Việt Nam nhiều khả năng phải kéo Nguyễn Đức Chiến về bộ tam vệ, chấp nhận đẩy Lê Ngọc Bảo ra cánh trái đồng thời thử nghiệm Nguyễn Trọng Hùng ở cánh phải.
Việc Đức Chiến lùi về sẽ tạo cơ hội cho Triệu Việt Hưng trở lại trung tâm hàng tiền vệ. Nguyễn Quang Hải có thể đá cặp với anh để tăng sức sáng tạo cho tuyến giữa và tránh cho Hải không phải va chạm quá nhiều.
Hàng công sẽ là vị trí hiếm hoi mang tới yên tâm khi cặp Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh và hộ công Nguyễn Hoàng Đức đều đang “vào phom”.
Cả U23 Việt Nam và U23 UAE đều đạt phong độ cao trước giải. UAE bất bại trong năm 2019 còn U23 Việt Nam vừa vô địch SEA Games. So với đối thủ, U23 Việt Nam tới Buriram sớm hơn nhiều ngày, quen thuộc về địa hình, khí hậu và nhiều điều kiện khác. Chính HLV Skorza cũng phải thừa nhận: “Bảng này rất khó khi có U23 Triều Tiên, Jordan và Việt Nam. Đội cuối cùng là ứng cử viên. Họ là đối thủ rất mạnh, á quân giải trước, năm mà chúng tôi còn không vượt qua nổi vòng loại”.
Sau 2 ngày thi đấu đầu tiên, U23 châu Á chứng kiến hàng loạt bất ngờ. U23 Thái Lan tưởng đang khủng hoảng vẫn đè bẹp Bahrain 5 bàn, đương kim vô địch Uzbekistan bị Iran cầm hòa, còn đội chủ nhà Olympic tới Nhật Bản thua đau Saudi Arabia.
Việc giải đấu này liên quan trực tiếp tới tấm vé đi Olympic đã tiếp thêm động lực cho các đội tuyển. Nếu không muốn mọi thứ trở nên phức tạp tới mức không thể kiểm soát, U23 Việt Nam cần có ngay 3 điểm ở trận ra quân.
Một đội bóng muốn dự Olympic thì không thể nghĩ tới điều gì khác ngoài một chiến thắng.