U70 học chữ

Dù ở tuổi trung niên nhưng nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn cố gắng đến trường học chữ.

Giáo viên tỉ mỉ, nhẫn nại hướng dẫn cho từng học viên.

Giáo viên tỉ mỉ, nhẫn nại hướng dẫn cho từng học viên.

Họ muốn biết chữ để viết tên mình và phát triển kinh tế gia đình.

Học chữ để viết tên mình

18 giờ, bà H’Chunh (67 tuổi, phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai) mang theo vở, bút đến Trường TH Ngô Quyền học chữ. Theo chân bà H’Chunh còn có cháu H’Nư vừa vào lớp 1, cùng đó là hàng chục người ở tuổi trung niên cũng quyết tâm biết đọc, viết. Lớp học xóa mù chữ này đã được duy trì hơn 14 tuần. Tối từ thứ 2 đến thứ 6, lớp đều sáng đèn đón học viên. Ban đầu số học viên ra lớp khá đông nhưng vì nhiều lý do nên số lượng giảm dần. Đến nay, lớp duy trì 30 học viên.

“Học viên đa số lớn tuổi nên việc tập đọc, viết khá khó khăn. Các ông bà, mẹ quen cầm cuốc làm nương nên cầm bút còn vụng về, viết nguệch ngoạc. Thế nhưng họ rất cố gắng học tập với hy vọng biết chữ để có thể đọc, viết. Chính vì vậy, mình luôn nhẹ nhàng hướng dẫn để mọi người không tự ti, mặc cảm. Đến nay 100% học viên đã biết viết mặt chữ, hơn 20 người biết đọc, đánh vần. Ai nấy đều vui mừng, hạnh phúc”, cô giáo Dương Thị Kiếu phụ trách lớp học tâm sự.

Sau nhiều ngày học chữ, bà H’Chunh khoe: “Tôi tự viết tên mình, đó là mong muốn từ lâu đến nay mới thực hiện được. Chữ chưa đẹp nhưng tôi vui và hạnh phúc lắm. Tôi sẽ cố gắng học thêm để có thể nói và viết tiếng Việt giỏi”.

Bà H’Chunh cho biết, trước kia mẹ mất sớm, gia đình khó khăn nên không có điều kiện đến trường. Lớn lên bà lập gia đình rồi lo cho các con ăn học nên chẳng nghĩ gì cho bản thân. Khi hay tin có lớp xóa mù chữ bà liền đăng kí tham gia với mong muốn tự kí giấy tờ và đọc được chữ viết.

 Lớp học xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền.

Lớp học xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền.

Hơn 6.500 người được xóa mù

Ở Trường Tiểu học Lê Lai (TP Pleiku) lâu nay lớp học sáng đèn buổi tối. 100% bà con đến lớp đều thuộc dân tộc thiểu số Jrai, học viên nhỏ nhất gần 25 tuổi, lớn ngoài 64 tuổi. Chị H’Then (xã Chư Á) chia sẻ: “Trước kia không biết chữ nên mình chẳng thể tự đọc, viết. Giờ sau mấy tháng học mình có thể đọc sách báo, chữ chạy trên tivi. Tuy học còn chậm nhưng vẫn thấy vui vì có thể thể tự viết tên, tuổi và tính toán đơn giản. Mình sẽ cố gắng học để sau này làm ăn, phát triển kinh tế”.

Thầy Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ. Theo đó, học viên là người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 15 - 60. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động đến nay lớp xóa mù chữ đã có 23 học viên. Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường bố trí phòng học đầy đủ cơ sở vật chất. Bên cạnh đó phân công giáo viên đứng lớp phù hợp từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Gia Lai), đánh giá việc triển khai thực hiện xóa mù chữ đã giúp bà con DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng cao trình độ dân trí. Từ đó hướng đến thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chương trình đã triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian tới chương trình sẽ được triển khai đại trà trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả xóa mù chữ, tỉnh Gia Lai hướng đến năm 2025 người từ 15 tuổi trở lên sẽ đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông với tỷ lệ trên 90%. Theo đó, tỉnh dự kiến tổ chức 735 lớp xóa mù chữ cho gần 23.500 người/176 xã, với kinh phí hơn 46,5 tỷ đồng. Riêng năm 2023, với kinh phí 12,9 tỷ đồng, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân khai kinh phí về các địa phương thực hiện xóa mù chữ với số lượng 217 lớp học cho 6.502 học viên.

Bài, ảnh: Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/u70-hoc-chu-post637933.html