U80 rang người kiếm từng nghìn lẻ giữa chảo lửa Sài Gòn
Trang bị nón lá, trùm thêm chiếc khẩu trang vải che kín mặt, thay đổi giờ giấc làm việc… là những phương cách mà người lao động nghèo đối phó với cái nắng như đổ lửa tại TP.HCM.
Đi sớm… về muộn
12h trưa, trời TP.HCM nắng như đổ lửa. Bà Dương Thị Mười (57 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) tất tả đẩy chiếc xe đạp vào một công trình đang thi công để thu mua ve chai. Bà cho biết, dẫu trời nắng gắt, bà cũng phải tranh thủ đến thu mua.
“Lúc này, cánh thợ hồ đang nghỉ trưa, người ta mới có thời gian gom ve chai bán cho mình. Nếu sợ nắng, nghỉ ở nhà, lát nữa, người ta làm việc hết, không ai bán cho mình nữa. Nắng cũng mệt thật nhưng tôi quen rồi”, bà Mười nói.
Vừa gom mấy thanh sắt vụn, bà vừa kể, từ tết đến giờ, trời Sài Gòn nắng gay gắt khiến bà rất mệt vì đổ mồ hôi nhiều gây mất nước. Để chống chọi với tiết trời nắng như đổ lửa, bà “chụp” thêm chiếc nón lá lên phần đầu đã quấn khăn thấm mồ hôi.
“Tôi đã đeo khẩu trang, đội nón lá mà mỗi khi cúi xuống nhặt ve chai vẫn cảm nhận được sức nóng từ mặt đường nhựa phả vào mặt. Thế nên, dẫu hơi bất tiện và ngộp, tôi cũng phải chồng thêm một cái khẩu trang vải dày để che kín mặt”, bà chia sẻ thêm.
Tuy vậy, khói bụi cùng cái nắng của Sài Gòn vẫn khiến mà mệt mỏi mỗi khi đẩy xe đi thu mua ve chai. Không còn cách nào khác, bà đành phải thay đổi giờ làm việc. Bà nói: “Nắng quá, sáng tôi đi nhặt, thu mua ve chai từ sớm. Khoảng 6h sáng là tôi đi rồi”.
“Tôi đi loanh quanh đến khoảng 10h thì về nhà tránh nắng. Chiều khoảng 3h giờ tôi đi tiếp đến 5,6h mới về ăn cơm. Để tránh nắng, tôi mặc thêm áo dài tay, vải dày dày một chút để khỏi cảm thấy bỏng rát”, bà nói thêm.
Nắng nóng cũng khiến bà Mai Thị Bé (74 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) quay quắt trong việc mưu sinh. Tuổi đã cao, thân mang nhiều bệnh lại chỉ sống thui thủi một mình, bà không dám đi xa để bán vé số.
“Trời mát mát, tôi cũng hay đi xa một chút để bán. Nhưng mấy hôm nay, trời nắng quá, tôi đi xa không nổi nữa. Đi một chút là mệt và thở dốc. Tôi đành phải lấy ít vé số lại, đi một vòng xung quanh chỗ thuê trọ. Chủ yếu là khách quen, khách mối mua ủng hộ thôi. Tôi bán vé số từ hồi miền Nam mới giải phóng nên cũng có nhiều khách quen”, bà Bé chia sẻ.
Cũng như bà Mười, bà Bé buộc phải đi bán từ sớm rồi về nhà tránh nắng. Bà chỉ đi bán lại khi chiều về, nắng nhạt. Việc này cũng khiến bà “thất thu” và phải tiết kiệm trong mọi chi phí để có tiền đóng tiền phòng, chữa bệnh.
Tìm cách biến khó khăn thành thuận lợi
Trong khi đó, ông Hào, một tài xế xe xích lô tại quận 5, TP.HCM cho biết, dịch bệnh bùng phát, nắng cháy da người khiến cuộc sống mưu sinh của ông lao đao. Đã một tháng nay, ông chỉ biết đạp chiếc xích lô cũ của mình đến đỗ bên lề đường Hồng Bàng đoạn trước một cao ốc (Quận 5) chờ khách.
Mới năm ngoái đây thôi, mỗi sáng, khi ông chưa rời phòng trọ đã có người gọi điện đặt xe chở hàng, chở khách… Thế mà, cả tháng nay, ông chỉ biết nằm trên xích lô đọc báo cũ để giết thời gian.
Ông nói: “Trước đây, tôi không chở khách chỉ nhận chở hàng vì chở hàng được nhiều tiền hơn. Thế mà cả tháng nay, khách cũng không có để mà chở. Từ sáng đến giờ, tôi mới được một cuốc xe, chở bà khách quen vào chợ. Giá cuốc xe có 20.000 đồng”.
Ông kể thêm rằng, vì quá “đói khách”, ông mang theo quần áo của mình để lên trên xe rồi đạp xe ra ngoài vỉa hè, sân bóng ngủ. “Ngủ ngoài đường như vậy, nếu ai cần là mình đi được ngay, chứ ở nhà không ai gọi, đặt xe cả. Tôi ngủ như thế đã gần 1 tháng nay rồi”, ông nói thêm.
Chung cảnh ngộ, một tài xế xe ôm công nghệ cũng than vãn việc “đói khách” vào thời điểm trời nắng nóng. Anh cho biết, đã mấy ngày nay, anh thường xuyên phải tấp và khuôn viên nhà thờ Thánh Nữ Jeanne d'Arc (Quận 5, TP.HCM) ngồi chờ khách.
“Chắc trời nắng nóng quá, khách cũng ngại ra đường. Hoặc, nếu có phải ra đường, họ cũng chọn các loại dịch vụ khác. Từ sáng đến giờ, tôi cũng mới chạy 4 cuốc xe, được mấy chục ngàn thôi. Không có khách, tôi đành ghé công viên, tìm bóng mát, bật app (ứng dụng đặt xe) ngồi chờ. Hy vọng đến chiều tối trời mát, sẽ có khách nhiều hơn”, anh này chia sẻ.
Trong khi đó, nắng nóng lại là cơ hội thực sự đối với những người bán nước giải khát ven đường. Chị Lan, người chuyên bán nước giải khát cho tài xế trên đường Quốc Lộ 1A cho biết, vào những ngày nắng nóng, chị luôn bán được nhiều nước đóng chai hơn bình thường.
Giữa cái nắng gay gắt, mỗi lần dòng xe dừng đèn đỏ, chị lại tranh thủ ôm chiếc thùng giữ nhiệt chứa hơn chục chai nước suối, nước ngọt chạy đến cabin xe tải, container… mời khách. Vài lượt đèn đỏ, chị đã bán hết veo đôi ba thùng nước lọc ướp lạnh.
Không chọn cách tiếp thị đầy mạo hiểm như chị Lan, người bán nước giải khát vỉa hè, bán dạo cũng thừa nhận thu nhập tăng đáng kể vào những ngày nắng nóng. Bà Hai, người có thâm niên 20 năm bán nước giải khát vỉa hè trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7, TP.HCM) cho biết, nắng nóng, các loại nước giải khát đều bán chạy.
“Ngày nắng nóng, không chỉ các em sinh viên, công nhân mà tôi bán được nước cho cả khách vãng lai. Ngày thường, tôi chỉ bán được khoảng 1-2 thùng nước khoáng đóng chai. Nhưng vào ngày nắng nóng, tôi bán gấp đôi. Thế nên, dẫu nắng, những người như chúng tôi cũng chịu khó ngồi, đứng bán”, bà Hai chia sẻ.
Để đối phó với cái nắng gay gắt, những người bán nước giải khát kiểu này thường che dù lớn, thậm chí phủ một tấm bạt bên trên quầy hàng của mình làm mái che tạm thời. Do bán hàng theo kiểu “dã chiến”, họ không thể sử dụng các thiết bị làm mát hiện đại mà chỉ dùng quạt tay để chống nóng tạm thời.