U90 Nguyễn Bảo Sinh: Thi sĩ khỏe dai nhất làng văn chương?
Tác giả của những câu thơ được truyền miệng rộng rãi bấy nay: 'Sang sông sợ nhất đò đông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì'; 'Vợ là cơm nguội nhà ta/Lại là phở tái thằng cha láng giềng'… tự xếp mình vào hàng U90. Tuổi tuy đông nhưng thi sĩ dân gian vẫn chứng tỏ thời gian chỉ làm giàu thêm trải nghiệm sống của ông, chẳng ảnh hưởng gì tới sự nhảy dây, cử tạ, thượng đài… đã được ông duy trì từ thời trẻ trai.
Mới đây, Nguyễn Bảo Sinh gây choáng cho lực lượng hâm mộ dòng thơ của ông và cả người trong giới văn chương khi khoe clip nhảy dây trăm cái “nhẹ như lông hồng” và tài cử ghế.
Thật bất ngờ khi chứng kiến một ông lão 80 nhấc bổng chiếc ghế to và nặng lên đầu, rồi lại giơ cao một lúc, mới từ từ hạ xuống. Có người xem xong đã phải thốt lên: Phải đưa thi sĩ dân gian kiêm chủ resort chó mèo vào sách kỷ lục Guinness chứ không phải chuyện đùa! Người khác lại hình dung việc Bảo Sinh nhấc ghế không khác Võ Tòng nhấc sư tử đá.
Hỏi Bảo Sinh, ông rèn luyện thể lực đã lâu chưa? Bảo Sinh đáp: “Từ khi tôi 13, 14 tuổi”. Nhờ chăm chỉ rèn luyện trong hơn nửa thế kỷ nên ở tuổi 80 (Bảo Sinh sinh năm 1940), tinh thần thi sĩ dân gian vẫn minh mẫn, sức khỏe của ông khiến thanh niên trai tráng có khi phải nể. “Sức khỏe của ông so với 10 năm trước có thay đổi nhiều không?”. Trước câu hỏi này, thi sĩ dân gian đáp: “Tuổi già thì tất nhiên cũng có thay đổi. Nhưng so với những người cùng tuổi mình thì mình khỏe hơn nhiều”. Bảo Sinh từng tự răn mình: “Trời trao sinh mệnh cho mình/Thì mình phải quyết Bảo Sinh trên đời/Không tranh sinh mệnh với trời/Trời đòi ta trẻ mệnh người lên tiên”.
Có lúc Nguyễn Bảo Sinh khoe clip ông luyện boxing: “Xã hội thì chém gió/U90 Bảo Sinh lên chùa tụng kinh đấm gió trong mưa”. Clip của Nguyễn Bảo Sinh khiến nhiều người xem thả “tim” yêu mến, cảm phục. Một người viết thơ tếu tặng Bảo Sinh: “Đấm gió gió chẳng thèm đâu/Đấm nhầm bà lão thương lâu khó lành”. Bảo Sinh gắn bó với võ thuật từ khi 7-8 tuổi. Đến năm 14 tuổi mới học võ, môn boxing, và say mê từ đó. Tuy chưa đạt thành tích cao nhưng thi sĩ dân gian tự hào trên võ đài “chưa bao giờ bị mó sàn”. Nhưng ông dạy con trai quan điểm, phải đạt bằng được huy chương vàng ở bộ môn này. Năm 1994, con trai Bảo Sinh thi đấu, đoạt huy chương vàng toàn quốc và giữ đai vô địch Quyền Anh trong mười mấy năm, do bộ môn này từng bị cấm ở ta. Hồi 70 tuổi, Bảo Sinh từng tổ chức thi đấu tại gia, có sự góp mặt của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng. Ông thách một họa sỹ tài ba lên sàn đấu với mình. Nếu thua, ông mất vợ cho họa sỹ. Ngược lại, nếu ông thắng, thì họa sỹ nọ phải mất vợ cho ông. Họa sỹ nổi tiếng nhận lời đấu võ nhưng không đồng ý điều kiện Bảo Sinh đưa ra, bởi lẽ: Vợ Bảo Sinh khi đó đã vào hàng U70, còn vợ họa sỹ nọ mới U30.
Vì sao Bảo sinh trẻ, khỏe bền lâu? Có thể vì ông yêu thơ, ham làm thơ, giúp tâm hồn luôn trẻ. Những câu thơ của ông tưởng chừng bông đùa, tếu táo nhưng giàu chiêm nghiệm, triết lý. Vì thế, thơ Bảo Sinh được yêu thích. Từ câu thơ của Bảo Sinh: “Sang sông sợ nhất đò đông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”, người ta chế thành nhiều câu khác nhau. Thí dụ: “Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì”; “Lên rừng sợ nhất mãng xà/Về nhà sợ nhất vợ già khỏa thân”… Bên cạnh đó, Bảo Sinh còn có một gia đình yên ấm, điều kiện vật chất tốt, khiến tuổi già của ông chủ resort chó mèo thảnh thơi, vui vẻ. Bảo Sinh từng chia sẻ quan điểm về tiền bạc và khoe tài sản của mình: “Tôi có chủ trương không bao giờ giữ nhiều tiền. Ít tiền là một sai lầm nhưng nhiều tiền lại sai làm hơn nên sống vừa đủ, chỉ có một vài chục triệu thôi. Nhưng thú thực, tài sản tôi có được từ nuôi chó nó dao động từ 10 tỷ đến 100 tỷ, áng chừng như thế”.