Ðưa sản phẩm làng nghề vươn xa
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 nghề và làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí theo Nghị định số 52/2018/NÐ-CP của Chính phủ. Dù còn phải chờ để được công nhận chính thức trở thành làng nghề nhưng các tổ hợp tác, HTX nghề này đã có những hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước đưa các mặt hàng truyền thống vươn xa hơn ra thị trường cả nước.
Nghệ nhân dân tộc Mông xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) trình diễn nghề dệt truyền thống tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, tại TP. Hải Phòng, trong số những gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Ðiện Biên có một gian hàng đặc biệt nhận được sự quan tâm của du khách và người dân. Ðó là gian hàng thêu thổ cẩm của Tổ thêu Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa). Với hàng trăm mẫu thổ cẩm truyền thống độc đáo, rực rỡ sắc màu cùng những sản phẩm lưu niệm xinh xắn từ chất liệu thổ cẩm đã thu hút nhiều người tới tham quan, mua sắm. Không chỉ vậy, các thành viên Tổ thêu còn trình diễn trực tiếp các công đoạn tạo nên sản phẩm thêu truyền thống. Chị Giàng Thị Mẩy, Tổ thêu Tà Là Cáo chia sẻ: Trong dịp này chúng tôi mang về các sản phẩm đặc trưng của cơ sở (váy áo nữ, trang phục nam dân tộc Mông, vòng tay, vòng cổ, khăn mùi xoa, móc khuyên tai thêu truyền thống…). Các sản phẩm này nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng, nhất là sản phẩm lưu niệm được nhiều bạn trẻ ưa thích. Không chỉ tại chương trình hôm nay, mà để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng, bất cứ khi nào có cơ hội giới thiệu sản phẩm ra ngoại tỉnh chúng tôi đều cố gắng tham dự. Nhờ vậy mà hiện nay khách hàng của chúng tôi chủ yếu ở ngoại tỉnh. Sản phẩm thêu truyền thống Tà Là Cáo đã tới được khá nhiều tỉnh thành trong cả nước…
Cũng như Tổ thêu Tà Là Cáo, HTX Liên kết sản xuất bánh khẩu xén, bản Bắc, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) đang nỗ lực đưa thương hiệu của mình vươn ra ngoại tỉnh. Bánh khẩu xén, chí chọp là những sản phẩm thủ công truyền thống, đặc trưng của người Thái trắng tại TX. Mường Lay. Sản phẩm này tạo nên sự khác biệt của Ðiện Biên với các địa phương khác trong cùng khu vực. Chị Lò Thị Miền, bản Bắc 2, xã Lay Nưa cho biết: Từ khi thành lập HTX sản xuất khẩu xén và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chúng tôi cố gắng để nhiều khách hàng biết tới sản phẩm hơn. Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn nên các thành viên trong HTX không thể trực tiếp đi tới các địa phương mà phải gửi gắm những cán bộ các ngành Nông nghiệp, Du lịch giới thiệu quảng bá giúp. Nhờ vậy mà khẩu xén, chí chọp đã vươn tới Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí là xa xôi như TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cũng nhờ vào người quen, bạn bè giới thiệu, nhiều khách hàng từ Hà Nội và các địa phương khác biết tới và đặt hàng sản phẩm của chúng tôi. Thêm một kênh tuyên truyền khác là sử dụng mạng xã hội. Tuy chỉ mang tính cá nhân nhưng cách thức tuyên truyền này tương đối hiệu quả, giúp cho nhiều người biết đến bánh khẩu xén, chí chọp hơn nữa…
Hàng năm các tổ hợp tác, HTX nghề truyền thống đều được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Ông Trịnh Minh Tiến, Phòng Chế biến nông, lâm sản - ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - người đã có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực này, cho biết: Thông thường hàng năm, Chi cục tổ chức các đoàn tham gia các hội chợ làng nghề, chương trình kết nối vừa để quảng bá sản phẩm làng nghề của Ðiện Biên vừa tạo điều kiện để họ có thể giao lưu, học hỏi với các địa phương khác trong cả nước. Thực tế cho thấy, đây là kênh tuyên truyền quảng bá hết sức hữu hiệu. Bởi sản phẩm của nhiều cơ sở có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, nhưng cách quảng bá để người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng sản phẩm thì vẫn chưa làm được. Thông qua các chương trình này, nhiều cơ sở đã ký kết được những hợp đồng quan trọng, giải quyết phần nào nỗi lo đầu ra cho sản phẩm. Như đầu tháng 11 vừa qua, Chi cục mời HTX Thổ cẩm Pa Thơm, HTX Mây tre đan Nà Tấu, gạo Thanh Yên, tảo xoắn Ðức Lợi… tham gia Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP tại TP. Hà Nội. Qua chương trình này các cơ sở cũng đã kết nối được nhiều khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, sản xuất ngành nghề, làng nghề nông thôn trong những năm qua còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, hầu hết cơ sở còn thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị công nghệ lạc hậu. Vì vậy, các cơ sở còn rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là kinh phí để tham dự các chương trình lớn, thời gian dài ở ngoại tỉnh.
Mặc dù vậy, cũng cần khách quan nhìn nhận việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề ra ngoại tỉnh hiện vẫn đang ở những bước “khởi động”. Ngoài những khó khăn như ông Trịnh Minh Tiến chia sẻ, để đưa sản phẩm làng nghề của tỉnh vươn ra ngoại tỉnh còn nhiều việc phải làm. Hiện nay, một số mặt hàng như bánh khẩu xén, mây tre đan, thêu thủ công truyền thống… được nhiều người, nhiều nơi biết tới. Nhưng cách thức tiếp cận với các sản phẩm này thường là qua nhiều kênh như bạn bè, người thân giới thiệu, biếu, tặng... chứ chưa hẳn do các cơ sở chủ động tiếp cận khách hàng. Ngoài ra, các cơ sở, HTX làng nghề vẫn chưa biết sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả lợi thế của internet, như: Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website… để tăng cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Việc liên doanh liên kết theo chuỗi giá trị giữa các cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm cũng chưa được coi trọng, nên sản xuất còn manh mún, chưa tạo ra tính chuyên môn hóa trong sản xuất để thúc đẩy sản xuất phát triển…