Ðưa Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững
Sóc Trăng tiếng Khmer gọi Srok Kh'leang, có nghĩa là 'Xứ kho bạc'. Ðiều này cho thấy từ xưa vùng đất này vốn đã được tiền nhân nhận diện có tiềm năng lớn như thế nào.
Đánh thức tiềm năng “Xứ kho bạc”…
Còn nhớ, vào trung tuần tháng 6 năm 2018, phát biểu tại: Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét: Đây là vùng đất hạ lưu sông Mekong và trong thập kỷ tới, sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, là niềm cảm hứng về ý chí vượt khó, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu của các cộng đồng người dân Sóc Trăng nói riêng, ĐBSCL nói chung. “Chỉ có nguồn cảm hứng mạnh mẽ như thế thì chúng ta mới hành động quyết liệt đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên”-Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, một quốc gia hay một địa phương muốn vươn lên và thành công đều phải dựa vào tiềm năng và lợi thế so sánh. Sóc Trăng có nhiều giá trị văn hóa độc đáo riêng có được gọi là “văn hóa xứ Giồng” thể hiện qua các mặt đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của người Kinh, Hoa, Khmer và số ít người Chăm. Người dân Sóc Trăng thể hiện đức tính quý trọng nhân nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng, giản dị, tình cảm mộc mạc, chân thành.
Sóc Trăng có nhiều tài nguyên có giá trị du lịch lớn như Vườn Cò Tân Long, Cồn Mỹ Phước, Chợ nổi Ngã Năm… Nhiều giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc mang tầm cỡ quốc gia như lễ hội Ooc Om Boc – Đua ghe Ngo (Cúng trăng) và rất nhiều lễ hội độc đáo khác. Ẩm thực phong phú đa dạng mang tính bản địa cao như bánh Pía, bún nước lèo, bánh Cống, bò nướng ngói…
Từ phân tích các tiềm năng và lợi thế sẵn có của tỉnh, Thủ tướng cho rằng đối với Sóc Trăng trong tương lai nên tập trung phát triển dựa trên 3 trụ cột chính. Một là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ hai, thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao. Thứ ba, du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh; cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo.
Sóc Trăng cần vượt lên chính mình để xây dựng một niềm tin, niềm cảm hứng mới cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng mong muốn và cảnh báo Sóc Trăng, nhiều địa phương trong vùng hiện đã và đang nổi lên như một điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư. Một số địa phương trong vùng có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…). Sóc Trăng phải thu hẹp những khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh, cùng chung tay làm cho vùng đất “chín rồng” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đưa Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững
Trò chuyện với phóng viện báo Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Mục tiêu xuyên suốt của tỉnh là tập trung phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, hạn chế người dân phải bỏ đi làm ăn xa, đời sống xã hội ổn định, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững…
Trong thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình biển Đông và khu vực diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch Covid-19 lan rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân…, Sóc Trăng đã tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,75%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 50,1 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước phát triển theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh cũng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất; một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xuất khẩu bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, đến nay đã có 99 sản phẩm được xếp các hạng, vượt 282% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 50/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 62,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 là 40.000 tỷ đồng, tăng trên 1,9 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 13,2%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm qua đạt 20.014 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm2020đạt 950 triệu USD, vượt 5,56% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 9,75% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tôm đông đạt 675 triệu USD, xuất khẩu gạo đạt 140 triệu USD.
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp thu hút, ưu đãi đầu tư; qua đó, tình hình thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Chủ tịch Trần Văn Lâu, thời gian tới, Sóc Trăng phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân 5 năm (2021-2025) đạt 8,0%; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên; Cơ cấu GRDP (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ khu vực I là 33%, khu vực II 26%, khu vực III từ 37% trở lên..
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án. Khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, cảng biển, khu logistics, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Mục tiêu xuyên suốt của UBND tỉnh là tập trung phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, hạn chế người dân phải bỏ đi làm ăn xa, đời sống xã hội ổn định, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho mọi người. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được; khắc phục những mặt hạn chế, khó khăn, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, từ năm 2020-2025, Sóc Trăng tập trung vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”-Chủ tịch Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Nhiều người nhìn Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, nhưng nếu nhìn từ Biển Ðông thì nơi đây lại có vị trí cực kỳ đắc địa với mặt tiền hướng biển, với con sông Hậu chảy ra cửa biển Trần Ðề… Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cái “Xứ kho bạc” đang được Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đánh thức để vươn lên hàng đầu của đất Chín Rồng.