Theo trang thông tin từ trang web Military Observer của Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đình chỉ đàm phán mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ.
Hợp đồng mua 50 chiếc F-35, 18 máy bay không người lái MQ-9 Reaper và nhiều loại vũ khí liên quan, đã được chính quyền dưới thời Tổng thống Trump phê duyệt trước đó cho UAE, với tổng giá trị lên tới 23 tỷ USD, đã bị chính quyền của Tổng thống Biden tạm hoãn.
Các quan chức của UAE cho biết, Mỹ đã được phía UAE thông báo rằng, các cuộc đàm phán mua F-35 sẽ bị đình chỉ. Phía UAE nhấn mạnh rằng, các vấn đề kỹ thuật, hạn chế hoạt động của tiêm kích F-35 và hiệu quả chi phí, đã buộc UAE phải xem xét lại kế hoạch mua sắm của mình.
Tuy nhiên các quan chức của UAE nói thêm rằng, Mỹ vẫn là quốc gia ưu tiên của UAE, để mua vũ khí và khí tài quân sự tiên tiến; và rất có thể, các cuộc thảo luận về việc mua F-35 có thể được nối lại trong tương lai.
Hồi đầu tháng 12/2021, UAE bất ngờ ký hợp đồng trị giá 19 tỷ USD mua 80 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, loại máy bay chiến đấu đời thấp hơn và đơn giản hơn về công nghệ so với F-35; điểm nổi bật là Rafale không có khả năng tàng hình tiên tiến như F-35.
Ngoại trừ điểm cộng về tốc độ và tầm bay, còn các tính năng khác F-35 được coi là vượt xa Rafale trong tất cả các thông số hiệu suất chính. Nếu động cơ mà máy bay chiến đấu Mỹ sử dụng, là loại mạnh nhất thế giới; thì máy bay chiến đấu của Pháp sử dụng động cơ yếu nhất.
Trước việc UAE rút khỏi hợp đồng mua F-35, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh rằng, bất chấp những dấu hiệu trước đó cho thấy, chính quyền Biden phản đối thương vụ này, thì việc bán F-35 vẫn có thể xảy ra. Chúng tôi (Mỹ) vẫn cam kết thúc đẩy doanh số bán F-35 và UAV cho UAE.
Theo thông tin được cung cấp cho báo chí, Mỹ đã đưa ra nhiều điều kiện bổ sung về cách sử dụng máy bay chiến đấu F-35 xuất khẩu cho UAE và yêu cầu UAE có những “nhượng bộ chính trị”.
Và nhiều điều kiện trong số “nhượng bộ chính trị”, liên quan đến hợp tác kinh tế và an ninh chặt chẽ của UAE với Trung Quốc, một quan hệ đối tác mà Mỹ đã phản đối từ lâu. Rất có thể, Mỹ lo ngại những công nghệ mang tính “tuyệt mật” của F-35, sẽ được UAE tuồn cho Trung Quốc.
Hiện nay trên thế giới, F-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 duy nhất được xuất khẩu, F-35 cũng là một trong 3 loại máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất đang được sản xuất hàng loạt (cùng với J-20 và Su-57) và được sản xuất với số lượng nhiều nhất hiện nay.
Mặc dù F-35 được đưa vào biên chế chiến đấu từ năm 2014, nhưng vẫn còn lâu mới có khả năng sẵn sàng cho chiến tranh cường độ cao. Và do các vấn đề về hiệu suất, sửa lỗi và nâng cấp, nên tiến độ của F-35 đã bị trì hoãn trong vài năm qua.
Chương trình F-35 được coi là loại máy bay nhẹ hơn và rẻ hơn cho máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nặng F-22 Raptor. Nhưng hiệu suất của nó đã bị chỉ trích nặng nề, bởi các quan chức Mỹ, bao gồm cả một lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Mặc dù những người ủng hộ chương trình F-35 cho rằng, loại chiến đấu cơ này có tiềm năng trở thành máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, khi nó khắc phục được hàng trăm vấn đề về hiệu suất tồn tại hiện nay và hình thành được khả năng chiến đấu.
Không quân UAE hiện có hai loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ tư là Mirage 2000-9 của Pháp và F-16E / F của Mỹ. Đây là những chiến đấu cơ có tầm hoạt động ngắn, không có tính năng tàng hình và không tạo được ưu thế vượt trội so với các đối thủ trong khu vực, như Iran, Arab Saudi, Qatar hay Israel.
Trong một quyết định mang tính lịch sử, UAE quyết định mua Rafale để thay thế các máy bay chiến đấu Mirage đã cũ của mình; tuy nhiên nước này vẫn hy vọng cuối cùng sẽ thay thế F-16 bằng F-35.
Nhưng nếu chương trình mua F-35 bị UAE vĩnh viễn hủy bỏ, thì tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate của Nga, do UAE tài trợ, có thể trở thành tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của Không quân UAE sau năm 2025. Nguồn ảnh: QQ.
Tiến Minh