UAE - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Tây Á

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á.

Dư địa xuất nhập khẩu lớn

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thương mại song phương Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, dù thương mại toàn cầu đang có nhiều yếu tố không thuận lợi. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Việt Nam thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trên thế giới. Giai đoạn 2018 - 2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam - UAE được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm (chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông).

Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2023, thương mại song phương Việt Nam - UAE đạt hơn 4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 615 triệu USD. Với kết quả này, 10 tháng của năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn đối với UAE, ước đạt trên 2,74 tỷ USD.

Theo đó, về xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường UAE tập trung chủ yếu vào nhóm hàng chế biến, chế tạo. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này thường chiếm tỉ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE.

Các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt trên 2,5 tỷ USD/năm, chiếm tỉ trọng 70-75% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang UAE (và chiếm khoảng 30-40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Tây Á). Một số mặt hàng khác có kim ngạch đạt trên 100 triệu USD/năm gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may, giày dép.

Xuất khẩu thủy sản sang UAE còn nhiều dư địa - Ảnh minh họa

Xuất khẩu thủy sản sang UAE còn nhiều dư địa - Ảnh minh họa

Vài năm gần đây, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường UAE đã đạt được những kết quả khả quan. Nổi bật, UAE nhập khẩu khoảng 250 nghìn tấn thủy sản/năm, trị giá 750 - 800 triệu USD. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 22 - 24 nghìn tấn thủy sản sang UAE, với giá trị dao động từ 50 - 70 triệu USD. Riêng với sản phẩm cá phile đông lạnh mã HS0304, Việt Nam đứng đầu nhờ sản phẩm cá tra xuất khẩu, chiếm 40 - 50% thị phần tại UAE.

Ở chiều nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ UAE không quá đa dạng, chủ yếu là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ như: Chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm khác từ dầu mỏ. Việt Nam còn nhập khẩu từ UAE một số nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, gồm kim loại thường khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu; quặng và khoáng sản khác.

Xúc tiến thương mại sang thị trường UAE

Chuyên gia kinh tế nhận định, UAE hầu như không có rào cản thương mại đối với việc nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, các sản phẩm khi nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là về hàm lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trên sản phẩm không được phép vượt quá mức quy định. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm… cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.

Do UAE là thị trường mở, các nhà nhập khẩu, phân phối và hệ thống siêu thị tại UAE hiện có nhiều nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác nhau cho cùng một loại sản phẩm, do đó, những sản phẩm như xoài, cà phê, chè của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thái Lan,…

Gian hàng đồ nông sản và thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ Gulfood Dubai 2023 (UAE) theo Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia - Ảnh minh họa

Gian hàng đồ nông sản và thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ Gulfood Dubai 2023 (UAE) theo Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia - Ảnh minh họa

Do khoảng cách địa lý từ Việt Nam đến UAE khá xa, hàng hóa Việt Nam cũng gặp thách thức bởi chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang UAE cao hơn so với cước phí từ các nước có vị trí địa lý gần UAE hơn. Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý doanh nghiệp Việt Nam, khi xem báo giá cho cùng một sản phẩm từ các nhà cung cấp khác nhau, họ sẽ chỉ chọn nhà cung cấp có báo giá thấp nhất.

Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường UAE cần thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn. Trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu và xác minh danh tính khách hàng.

Nhằm thúc đẩy hàng hóa Việt Nam vào thị trường UAE, thời gian qua, trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại.

Điển hình, đoàn doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm tại gian hàng quốc gia Việt Nam ở Hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống (Gulfood) tại Dubai. Trong khuôn khổ sự kiện Dubai Expo 2020 (tổ chức từ tháng 10/2021 - 3/2022), vào tháng 12/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn giao dịch thương mại sang UAE, kết hợp tham dự triển lãm với 19 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Cùng với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các cơ quan liên quan của phía UAE tổ chức các hoạt động: Hội thảo kết nối giao thương, hội thảo về logistics; chương trình khảo sát, kết nối sản phẩm Việt Nam với các chuỗi phân phối của UAE… và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam và UAE đang đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Việc ký Hiệp định CEPA có ý nghĩa to lớn, là cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - UAE nói chung và hợp tác kinh tế thương mại đầu tư nói riêng.

Hà Hương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uae-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-tai-tay-a-289258.html