Uẩn khúc vụ án chơi cờ tướng bị truy tố đánh bạc
7 bị cáo cho rằng, việc kết tội đánh bạc và bắt tạm giam của Công an TP Tuyên Quang là không đúng, cố tình gán ghép và ngụy tạo.
Thay đổi biên bản lập ở hiện trường
Ngày 6/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Tuyên Quang đã ra quyết định phục hồi điều tra bị can sau 4 tháng tạm đình chỉ vụ án đánh bạc của 7 bị can vì đã có kết quả trưng cầu giám định. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Công Tuân (SN 1972) - một trong những bị cáo của vụ án cho biết, hơn một năm qua, việc bỗng nhiên bị kết tội “đánh bạc” khiến cuộc sống của ông và 6 người khác bị đảo lộn hoàn toàn.
Theo ông Tuân, vào khoảng 3h ngày 12/10/2018, tại nhà ông Trần Ngọc Long (trú tại tổ 36, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang) chỉ có 7 người gồm ông cùng ông Long và các ông: Cao Duy Khánh, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Duy Thảo, Nguyễn Xuân Thế, Trương Ngọc Dũng (cùng trú phường Minh Xuân). Lúc này, ông Long với ông Thế đang ngồi chơi cờ tướng, không có gì khác ngoài bàn cờ gỗ và 32 quân cờ nhựa, còn một số người khác ngồi xem đánh cờ và ngủ thì Công an TP Tuyên Quang ập đến kiểm tra. Lực lượng công an đã khám người, thu hết tiền của 7 người ở đây và cho vào từng phong bì. Ông Phạm Thanh Tâm, Phó trưởng Công an TP Tuyên Quang (hiện là Trưởng công an huyện Chiêm Hóa) xuống tầng một rồi gọi từng người xuống ký vào biên bản bắt người phạm tội quả tang do ông Nguyễn Ngọc Trãi (cán bộ Công an TP Tuyên Quang) viết biên bản.
Ngay khi lập biên bản, ông Thảo, ông Thế không ký vào biên bản và khẳng định mình không có hành vi đánh bạc. Trong khi đó, ông Tuân, ông Nghĩa và ông Dũng ký vào biên bản nhưng ghi ở dưới với nội dung “Tôi không đồng ý”. Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của hai nhân chứng là ông Triệu Kim Thúy (cán bộ An ninh dân phố tổ 36) và ông Đỗ Mạnh Hùng (cán bộ phường Minh Xuân).
Ngày 16/7/2019, TAND TP Tuyên Quang đưa 8 bị cáo ra xét xử vì tội đánh bạc. Theo cáo trạng, các đối tượng đã đánh bạc bằng hình thức chơi xóc đĩa ăn tiền tại nhà ông Long và bị tổ công tác Công an TP Tuyên Quang phát hiện, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang vào khoảng 3h ngày 12/10/2018, tạm giữ tổng số tiền là 44.870.000 đồng. Đến khoảng 5h30 ngày 12/10/2018, cơ quan công an lập biên bản khám xét khẩn cấp nhà ở của ông Long và tạm giữ 1 bát sứ, 1 đĩa sứ, 4 quân vị hình tròn, 1 chiếu nhựa, 32 quân cờ, 1 bàn cờ tướng… Quá trình điều tra xác định được số tiền các bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc là 13.070.000 đồng.
Tại phiên xử, các bị cáo một mực cho rằng mình không “đánh bạc”, việc truy tố các bị cáo với tội danh trên là oan sai. Ông Tuân cho biết, theo biên bản phạm tội quả tang được lập vào hồi 3h30 ngày 12/10/2018 mà ông đã ký dù ghi vào nội dung “tôi không đồng ý” là do điều tra viên Nguyễn Ngọc Trãi lập, nhưng biên bản này lại không thấy trong hồ sơ vụ án, thay vào đó lại xuất hiện biên bản phạm tội quả tang do điều tra viên Nguyễn Đức Anh lập.
“Biên bản do điều tra viên Đức Anh lập là hoàn toàn không chính xác, có dấu hiệu ngụy tạo, thời điểm lập biên bản điều tra viên Đức Anh không có mặt tại hiện trường. Biên bản của ông Đức Anh đưa ra khác hoàn toàn biên bản ông Nguyễn Ngọc Trãi lập và chúng tôi đã ký. Về sự sai lệch này, chúng tôi đã lập biên bản xác nhận ngày 6/7/2019, có chữ ký xác nhận của ông Triệu Kim Thúy (cán bộ An ninh dân phố tổ 36) và ông Đỗ Mạnh Hùng (cán bộ phường Minh Xuân) và chúng tôi đã gửi cho TAND TP Tuyên Quang”, ông Tuân nói.
Nút mở từ chiếc USB
“
Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 235 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hạn điều tra tiếp không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 3 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát gia hạn điều tra.
”
Ngay tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Duy Thảo đã cung cấp cho HĐXX một đoạn ghi âm mà theo bị cáo là cuộc nói chuyện giữa bị cáo với điều tra viên Nguyễn Đức Anh. Đoạn ghi âm nói về việc điều tra viên Nguyễn Đức Anh đã yêu cầu bị cáo Thảo ký vào một biên bản phạm tội quả tang khác trong quá trình bị tạm giữ. Lý do được điều tra viên Đức Anh đưa ra là biên bản này không khác biên bản trước (biên bản do ông Nguyễn Ngọc Trãi lập).
Trong khi đó, bị cáo Lê Công Tuân cũng cho rằng, tại các biên bản lấy lời khai, mặc dù bị cáo Tuân chưa bao giờ gặp đại diện Viện KSND TP Tuyên Quang là ông Phạm Mạnh Cường nhưng tại các biên bản trong hồ sơ vụ án lại có chữ ký của ông Cường nên đã đề nghị HĐXX làm rõ.
Cuộc nói chuyện với kiểm sát viên Phạm Mạnh Cường cũng đã được bị cáo Tuân ghi âm, lưu vào chiếc USB. Chính chiếc USB này là nguyên nhân dẫn đến việc TAND TP Tuyên Quang quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện KSND TP Tuyên Quang giám định nội dung các cuộc hội thoại lưu trữ trong chiếc USB và làm rõ một số vấn đề trong vụ án.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngày 9/12/2019, Công an TP Tuyên Quang ra thông báo kết luận giám định dựa trên Kết luận số 4925/C09-PC ngày 15/11/2019 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đối với giọng nói trong chiếc USB mà bị cáo Lê Công Tuân cung cấp cho cơ quan chức năng. Theo đó, không có dấu hiệu cắt ghép, làm thay đổi nội dung ghi âm trong các tệp tin ghi âm mẫu cần giám định. Tất cả các tiếng nói trong đoạn ghi âm đều đúng với tiếng nói của ông Nguyễn Duy Thảo, Lê Công Tuân (bị can), Nguyễn Đức Anh (điều tra viên), Phạm Mạnh Cường (kiểm sát viên).
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại tá Phạm Xuân Tuyên, Trưởng Công an TP Tuyên Quang vẫn cho biết: “Sau khi tạm đình chỉ vụ án, trả hồ sơ, hiện cơ quan điều tra đang chờ kết quả trưng cầu giám định và củng cố hồ sơ vụ án này theo quy định”.