UAV không đuôi Trung Quốc lộ diện: Bước tiến trong chiến lược tác chiến người – máy

Một đoạn video mới lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vừa hé lộ hình ảnh hiếm hoi về một nguyên mẫu máy bay không người lái (UAV) không đuôi bay theo đội hình với động cơ cánh quạt. Đây được cho là bước tiến trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu hợp tác người – máy của Bắc Kinh.

Xuất hiện lần đầu trên nền tảng Weibo cuối tuần qua, đoạn phim cho thấy chiếc UAV với thiết kế cánh tam giác hình thoi đặc trưng và không có đuôi, bay cùng với một máy bay vận tải cánh quạt loại Y-8 hoặc Y-9, cùng một UAV khác theo sau. Một hình ảnh tĩnh khác, dường như được cắt từ video riêng biệt nhưng có cùng nguyên mẫu, cũng đồng thời lan truyền trên mạng xã hội X.

Dù mang hình dạng gợi nhớ tới các nguyên mẫu tiêm kích thế hệ tiếp theo như Chengdu J-36 hay Shenyang J-50, UAV không đuôi trong video có kích thước nhỏ hơn. Dựa trên tỷ lệ với máy bay vận tải Y-8/Y-9 đi kèm, chiều dài ước tính của UAV này vào khoảng 15m, lớn hơn các mẫu máy bay "trung thành" (loyal wingman) hiện có, vốn thường dài từ 9-12m.

Hình ảnh những chiếc UAV không đuôi của Trung Quốc vụt qua bầu trời. Ảnh: scmp

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang đẩy mạnh phát triển các dự án máy bay không người lái chiến đấu có thể phối hợp chặt chẽ với máy bay có người lái. Trong khi UAV tàng hình GJ-11 hiện vẫn giữ vai trò trung tâm, Bắc Kinh đã liên tục giới thiệu các thiết kế mới, phù hợp với chiến lược triển khai "đàn UAV" hoạt động theo mô hình hỗn hợp.

Năm ngoái, mẫu FH-97A của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, cho thấy rõ ý đồ phát triển UAV có thể dẫn đầu và điều phối nhóm UAV cỡ nhỏ thực hiện tấn công mạng, tác chiến tự động, thay vì chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các chiến đấu cơ như J-20.

Một nhà phân tích trên mạng xã hội X nhận định, việc Y-8/Y-9 đi cùng UAV không đuôi có thể là một lựa chọn mang tính chiến thuật. Vận tốc bay chậm hơn của loại máy bay này giúp duy trì sự nhịp ngàng trong lúc vận hành theo nhóm, trong khi cabin rộng có thể chứa nhiều thiết bị điều khiển, đội ngũ kỹ sư và hệ thống liên lạc phục vụ thử nghiệm UAV. Một số biến thể Y-9 cũng được biết có thể thả UAV mục tiêu trong các bài kiểm tra thực địa.

Dù chưa rõ thời gian và địa điểm quay video, thiết kế UAV trong đoạn phim rất giống với hình ảnh từ ảnh vệ tinh chụp ngày 11/6, cho thấy khoảng 500 phương tiện quân sự tập kết tại một cơ sở của PLA gần Bắc Kinh. Đáng chú ý, các UAV và phương tiện không người lái trên mặt nước được phát hiện đang được ngụy trang và đặt trên xe kéo – điều từng xuất hiện trong các đợt duyệt binh lớn.

Cơ sở nói trên còn được thiết kế với hệ thống đường mô phỏng Đại lộ Trường An – trục chính trong các cuộc diễu binh tại thủ đô, cho thấy khả năng diễn tập quy mô lớn đang được tiến hành, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II vào tháng 9 tới.

Tham vọng tự động hóa hàng không của Trung Quốc đã tăng tốc trong vài năm gần đây, nhờ tiến bộ vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo và máy học. Đầu tháng 6/2025, tờ PLA Daily đăng bài bình luận quan trọng, nhấn mạnh vai trò then chốt của việc "triển khai UAV hàng loạt" trong quá trình hiện đại hóa quân đội. Theo đó, "giai đoạn tiếp theo của cạnh tranh quân sự toàn cầu sẽ xoay quanh khả năng triển khai nhanh chóng các hệ thống không người lái và nhân sự cốt lõi", khẳng định rõ ràng rằng UAV không còn là vũ khí phụ trợ, mà đang dần trở thành trung tâm của chiến lược tác chiến hiện đại của PLA.

Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/uav-khong-duoi-trung-quoc-lo-dien-buoc-tien-trong-chien-luoc-tac-chien-nguoi-may-post1217062.vov