Máy bay không người lái cảm tử hay đạn tuần kích là một thứ vũ khí độc đáo do Israel phát triển với hai đại diện nổi tiếng chính là UAV Harpy và UAV Harop.
Hai loại vũ khí này đã được sử dụng trên nhiều chiến trường, đặc biệt ở Trung Đông và nổi bật nhất chính là cuộc chiến Nagorno-Karabakh vừa qua, trong thành phần Quân đội Azerbaijan.
Chiến công tiêu biểu của máy bay không người lái cảm tử có thể kể ra đây đó là phá hủy nhiều tổ hợp phòng không tối tân như Pantsir-S1, S-300PS hay hủy diệt nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực.
Nhận thấy sự ưu việt của vũ khí trên, nhiều quốc gia đã tìm cách nghiên cứu chế tạo, trong đó dĩ nhiên có cả Nga.
Thông tin đầu tiên về việc sử dụng máy bay không người lái cảm tử của Nga ở Syria, tức là trong tình huống thực chiến đã xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái.
Chiếc UAV đặc biệt này đã được Quân đội Nga tích cực sử dụng không chỉ để thử nghiệm mà hóa ra là để loại bỏ các chỉ huy của những nhóm khủng bố ở Syria.
Đoạn video quay lại khoảnh khắc máy bay không người lái cảm tử Lancet-3 của Nga lao vào chiếc ô tô chở thủ lĩnh khủng bố vừa được đăng tải. Đây có lẽ là các thành viên của tổ chức Hayat Tahrir al-Sham khét tiếng tại Syria.
Hình ảnh quay từ trên cao có lẽ do một máy bay không người lái trinh sát khác thực hiện, đã ghi lại cảnh chiếc Lancet-3 tấn công chính xác vào phần phía trước của chiếc xe, trong đó có hai tay súng cấp cao và loại bỏ những người này.
Việc hiệp đồng phối hợp như trên cho thấy ít nhất rằng tình báo Quân đội Nga đã trinh sát rất kỹ lưỡng và biết rõ ai đang ở trong chiếc xe này, thay vì hành động một cách ngẫu nhiên.
Theo Tập đoàn Kalashnikov Concern, máy bay không người lái cảm tử Lancet do một công ty con của họ phát triển. Trên thực tế, những thiết bị này là loại đạn tuần kích hoạt động theo chế độ điều khiển từ xa và phát nổ khi tiếp cận mục tiêu kẻ thù.
UAV tấn công cảm tử Lancet có hai phiên bản, đầu tiên là Lancet-1 trọng lượng 5 kg mang theo 1 kg trọng tải và tấn công mục tiêu trong bán kính 40 km.
Trong khi đó chiếc Lancet-3 lớn hơn, mang được trọng tải 3 kg với tổng trọng lượng cất cánh 12 kg. Nhà phát triển gọi các thiết bị này là "vũ khí đa nhiệm thông minh có khả năng độc lập tìm và tiêu diệt một mục tiêu nhất định".
Lancet-3 có kênh hướng dẫn truyền hình, nhờ đó nó không mất liên lạc video với người điều khiển cho đến khi tiếp xúc mục tiêu. Nó cũng phân phối với định vị vệ tinh, xác định tọa độ từ nhiều nguồn và đối tượng khác nhau.
Do đó, chiếc UAV cảm tử thế hệ mới này của Nga có thể tấn công cả mục tiêu trên không, trên đất liền và dưới nước mà không yêu cầu phải tạo thêm cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên so với chiếc Harop hay Harpy của Israel thì rõ ràng UAV Lancet của Nga còn phải hoàn thiện nhiều, khi nó chỉ mang được đầu đạn quá nhỏ và tầm hoạt động còn vô cùng hạn chế.
Bạch Dương