Uber chi 600 triệu USD đền bù tài xế taxi công nghệ vì thua kiện tại Anh
Uber, công ty dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng của Mỹ, đã dành ra 600 triệu USD để giải quyết đền bù cho các tài xế tại Anh sau khi Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết các tài xế này là nhân viên chính thức.
Năm 2016, bắt đầu có hai tài xế của Uber tại Anh kiện công ty này ra tòa với lập luận rằng, Uber kiểm soát gần như tất cả khía cạnh trong điều kiện làm việc, tức là đóng vai trò người sử dụng lao động. Tòa án đã bác bỏ kháng cáo của Uber và giữ nguyên phán quyết của các tòa áp cấp dưới đưa ra vào năm 2016, 2017 và 2018.
Khi vụ việc được đưa lên Tòa án Tối cao, ngày 19/2 Tòa tối cao đã ra phán quyết yêu cầu Uber phải coi các tài xế taxi công nghệ là nhân viên chính thức chứ không phải lao động hợp đồng, được nhận các quyền cơ bản của người lao động như: hưởng mức lương tối thiểu, ngày nghỉ phép có trả lương và được đóng góp lương hưu.
Tới tháng 3/2021, Uber thông báo, kể từ 17/3, hơn 70.000 tài xế ở Anh được hãng công nhận là nhân viên chính thức và nhận các quyền cơ bản của người lao động, trừ các nhân viên giao nhận đồ ăn của Uber Eats. Hãng cũng cho biết sẽ liên hệ với các tài xế taxi để trả các khoản đền bù cho thời gian trước đây.
Kết quả kinh doanh quý I/2021 của hãng taxi công nghệ này mới công bố tại Mỹ đã hé lộ khoản đền bù đó lên tới 600 triệu USD. Theo đó, doanh thu của hãng bị giảm 600 triệu USD do phải thực hiện đền bù do thua kiện. Nghĩa là doanh thu của quý I bị giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 2,9 tỷ USD. Nếu không do tình hình kinh doanh tại Anh, doanh thu của hãng đã tăng 8%.
Phán quyết này của Tòa án Tối cao Anh đối với Uber đã làm rung chuyển "nền kinh tế hợp đồng" ở nước này, được xem là một chiến thắng lớn với người lao động tại Anh, trong khi tiếp tục là một cú đánh mới vào các tập đoàn kinh doanh dựa trên công nghệ theo mô hình kinh tế Gig economy. Đây là mô hình nền kinh tế dựa trên nền tảng cung ứng dịch vụ của các lao động tự do, những người làm việc trong những vị trí tạm thời và linh hoạt, không chịu sự kiểm soát khắt khe của người thuê lao động, chấp nhận không hưởng lương thường xuyên và các chế độ phúc lợi từ người thuê lao động, gọi nôm na là nền kinh tế hợp đồng. Phán quyết được cho là có thể có tác động đáng kể đến khoảng 4,7 triệu người lao động trong nền kinh tế hợp đồng của Anh, từ những gã khổng lồ công nghệ như Uber và công ty giao đồ ăn Deliveroo cho đến các tên tuổi nhỏ hơn.
Anh là thị trường nước ngoài lớn nhất của Uber. Vụ việc thua kiện của nền tảng này tại Anh được cho là có thể tạo một hiệu ứng lan tỏa rộng hơn, ở phạm vi khu vực hay thế giới, thậm chí không chỉ tác động tới Uber mà tới cả nền kinh tế Gig economy. Đây cũng là một trong hàng loạt động thái gần đây của các nước châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm quyền lợi công bằng cho những người lao động trong nền kinh tế hợp đồng.
Nền kinh tế hợp đồng đem lại cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập cho nhiều người lao động tự do nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức mới đối với các chính phủ trong việc tạo khung pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.