UBND cấp xã ký thỏa thuận quốc tế phải được Chủ tịch tỉnh đồng ý
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế quy định, trước khi UBND cấp xã ký thỏa thuận thì thỏa thuận đó phải được trình và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý.
Chiều nay (22/10), tiếp tục chương trình kỳ, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT). Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế trước Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; đa số các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành TTQT và thống nhất cho rằng: Việc ban hành Luật sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết TTQT.
Cùng với đó, việc ban hành Luật sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.
Bổ sung Tổng Thư ký Quốc hội là chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế
Đặc biệt, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu trình bày: Đã nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chủ thể ký kết gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội báo cáo: Qua tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, bổ sung các chủ thể này vào điểm b khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật.
Cụ thể: 2. Bên ký kết Việt Nam bao gồm: (a) Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
(b) Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước; (c) Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (đ) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh); (e) Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; (g) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (h) Ủy ban nhân dân cấp huyện; (i) Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới;
Cuối cùng là điểm (k) gồm: Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).
Đại biểu Quốc hội "e ngại" UBND cấp xã không đủ năng lực để ký TTQT
Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND xã khu vực biên giới.
“UBND cấp xã hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, năng lực đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Quan hệ quốc tế hiện nay rất sâu rộng và có những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi chủ thể ký kết TTQT phải có năng lực nhất định. Do đó, dự Luật nên quy định UBND cấp huyện trở lên thì mới được ký kết TTQT do điều này phù hợp với tình hình thực tiễn hơn", đại biểu Tạo lý giải..
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: quochoi.vn
Nêu ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, nếu mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã thì chỉ nên quy định ở một số lĩnh vực.
Đại biểu Phương nhấn mạnh: “Tại kỳ họp thứ 9 vừa rồi, tôi không đồng ý việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã ở vùng biên giới, nhưng lần này theo đề trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì UBND cấp xã ở tỉnh biên giới được ký thỏa thuận một số lĩnh vực như giao lưu, ký hợp tác để quản lý đường biên giới thì tôi đồng tình ủng hộ”.
Chung quan điểm với các đại biểu về nội dung trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, thẩm quyền, trình độ của UBND cấp xã còn nhiều hạn chế và chưa đủ để ký được các TTQT.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn "e ngại" việc ký kết các TTQT đến cấp xã sẽ kéo theo sự tốn kém về kinh phí, ngân sách.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Dự thảo Luật đã quy định rõ nội dung UBND cấp xã được ký TTQT
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế sắp tới là vấn đề đã được xem xét rất kỹ lưỡng và thận trọng.
"Quan hệ ngoại giao, giao lưu nhân dân với các nước là vấn đề rất quan trọng và dự thảo quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế của các tỉnh, nhất là các tỉnh, huyện, xã ở khu vực biên giới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về ý kiến lo ngại năng lực, trình độ của UBND cấp xã, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Dự thảo Luật cũng quy định rõ các nội dung mà UBND cấp xã được ký kết thỏa thuận, trong đó chỉ gồm một số nội dung như: thỏa thuận giao lưu; kết nghĩa; trao đổi thông tin.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định: "Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định, trước khi UBND cấp xã ký thỏa thuận thì thỏa thuận đó phải được trình và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ cụ thể hóa quy trình và nội dung thực hiện Luật TTQT".