UBND huyện Nhà Bè cho rằng, đơn giá đền bù 25.000 đồng/m2 là phù hợp và có lợi cho người dân
Bị người dân khởi kiện vì không đồng ý mức bồi thường 25.000 đồng/m2 đất nông nghiệp năm 1999, đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Nhà Bè cho biết, mức giá này là hợp lý và có lợi cho người dân.
Chiều 14/5, Tòa án nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ kiện quyết định hành chính giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sáu và bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, Chủ tịch UBND TP HCM.
Trước đó (ngày 16/4), HĐXX đã cho tạm dừng phiên tòa để phía bị đơn bổ sung một số chứng từ liên quan phục vụ việc xét xử.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện người bị kiện bổ sung một số giấy tờ, trong đó có chứng từ gửi tiết kiệm ngân hàng phần tiền bồi thường cho bà Sáu.
Theo đó, UBND huyện Nhà Bè đã chuyển tiền thực hiện việc bồi thường cho bà Sáu vào ngày 26/9/2003, người đứng tên là một cán bộ của Ban Bồi thường.
Đại diện cho bà Nguyễn Thị Sáu, bà Võ Thị Mỹ Dung chất vấn: “Có quyết định nào cho phép cá nhân được đứng tên khoản tiền bồi thường của bà Sáu không?”.
Phía UBND huyện Nhà Bè cho biết, tại thời điểm này, Ban Bồi thường cử cán bộ đứng tên tiền đền bù cho bà Sáu để có lãi ngân hàng, có lợi cho người dân. Đến năm 2008, sau khi được hướng dẫn, khoản tiết kiệm được tất toán và chuyển sang tên bà Sáu (bao gồm cả gốc lẫn lãi phát sinh).
“Hiện số tiền này đã tăng lên hơn 201 triệu đồng. UBND huyện đã làm hết trách nhiệm với người dân”, đại diện bị đơn nhấn mạnh.
Liên quan mức giá đền bù, bà Võ Thị Mỹ Dung cho rằng số tiền 76 triệu đồng cho 3.000m2 thời điểm đó là quá thấp. “Tiền thuế, tiền cải tạo, chăm sóc đất mà gia đình bà Sáu bỏ ra đã nhiều hơn mức đền bù này”, đại diện nguyên đơn nêu.
Đại diện bị đơn cho biết, UBND huyện Nhà Bè đã xây dựng phương án giá theo quyết định đã được TP HCM phê duyệt. Theo ông, đơn giá đền bù 25.000 đồng/m2 là phù hợp và có lợi cho người dân vì cao hơn nhiều trường hợp có đất tại vị trí khác.
Cũng tại phiên xử, bà Dung chỉ ra việc UBND huyện cưỡng chế bàn giao đất của người dân khi chưa ban hành quyết định thu hồi đất cũng như quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai quy định.
Trình bày trước HĐXX, đại diện bị đơn lý giải, UBND huyện Nhà Bè đã ban hành quyết định thu hồi tổng thể khu đất quy hoạch nên không ban hành quyết định thu hồi đối với từng hộ dân, theo Luật Đất đai năm 1993.
Tranh luận lại vấn đề này, bà Dung cho rằng việc không thu hồi đối với cá nhân là sai quy định tại Điều 21 của Luật Đất đai năm 1993. Bà Dung cho rằng chính quyền phải thực hiện trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó định giá bồi thường hoặc thương lượng bồi thường đối với nguyên đơn.
Tại phiên xử, phía UBND huyện Nhà Bè cho biết, hiện còn 36/355 trường hợp vẫn chưa đồng ý bồi thường, có khiếu nại về giá tương tự bà Sáu. Những mặt bằng này hiện đã được chủ đầu tư rào chắn, triển khai dự án.
Phát biểu quan điểm, đại diện Viện KSND kiến nghị tạm dừng phiên xử để xem xét các chứng cứ mới mà bị đơn cung cấp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên.
HĐXX chấp thuận kiến nghị trên. Phiên xử sẽ được tiếp tục vào sáng 24/5.
Theo nội dung khởi kiện, bà Nguyễn Thị Sáu là chủ sử dụng thửa đất nông nghiệp có diện tích 3.000m2 ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Nhà Bè cấp ngày 17/1/1994. Nguồn gốc đất do ông bà để lại từ năm 1973 và trồng lúa ổn định, không có tranh chấp.
Diện tích 3.000m2 nêu trên nằm trong dự án quỹ đất dự trữ của thành phố được UBND TP HCM phê duyệt năm 1999.
UBND TP HCM ban hành Quyết định số 7319/QĐ-UB-ĐB ngày 29/11/1999 về việc di chuyển nhà ở dân cư, các tổ chức thực hiện đền bù, trợ cấp thiệt hại, tái bố trí dân cư trong dự án đầu tư xây dựng đường nối từ đường Bình Thuận đến Khu công nghiệp Hiệp Phước và quỹ đất dữ trữ cho TP HCM tại quận 7 và huyện Nhà Bè.
Theo đó, UBND huyện Nhà Bè hiệp thương đền bù cho bà Sáu với tổng số tiền 76 triệu đồng, bao gồm: bồi thường về đất 25.000 đồng/m2, thưởng 1 triệu đồng. Song, bà Sáu không đồng ý và yêu cầu được đền theo giá thị trường hoặc hoán đổi cho bà 3.000m2 đất ở nơi khác có vị trí, loại đất tương đương, nhưng bị từ chối.
Sau đó, UBND huyện Nhà Bè đề nghị hỗ trợ bổ sung cho bà Sáu được mua 1 căn nhà chung cư với giá thành xây dựng nhưng bà không đồng ý.
UBND huyện Nhà Bè sau đó tiến hành cưỡng chế thu hồi phần đất trên, bà Sáu quyết định khiếu nại. Khiếu nại của bà Sáu lần lượt bị UBND huyện Nhà Bè, UBND TP HCM bác.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Sáu khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết: hủy các quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định về việc cưỡng chế; buộc UBND huyện Nhà Bè phải bồi thường đất theo giá thị trường là hơn 16,5 triệu đồng/m2…