UBND huyện phản hồi thông tin 'Đối thoại với dân nhưng huyện... 'cấm cửa' báo chí'

Người chủ trì không cho phóng viên tham dự cuộc họp giữa UBND huyện và người dân khiếu nại về công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng vì cho rằng không có trong thành phần mời họp

Báo Người Lao Động vừa nhận được công văn "phản hồi thông tin báo chí" của UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk do ông Lê Phú Hanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, ký về bản tin "Đối thoại với dân nhưng huyện... "cấm cửa" báo chí" đăng trên Báo Người Lao Động điện tử ngày 24-11.

Sau khi mời phóng viên ra ngoài, cửa phòng họp được đóng lại

Sau khi mời phóng viên ra ngoài, cửa phòng họp được đóng lại

Theo đó, UBND huyện Cư Kuin cho rằng có 3 chi tiết báo phản ánh không đúng. Thứ nhất, hoàn toàn không có chuyện UBND huyện hay Chủ tịch UBND huyện cấm cửa bất cứ phóng viên, nhà báo, cơ quan thông tấn báo chí nào hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật như bài báo nêu. Việc sử dụng tựa đề trên không đúng sự thật gây mất uy tín của UBND huyện Cư Kuin.

Thứ hai, UBND huyện Cư Kuin khẳng định nội dung "Một số phóng viên của các cơ quan báo chí vào phòng họp" mà bản tin nêu là không đúng vì chỉ 1 mình phóng viên Báo Người Lao Động có mặt lúc đó. Thứ ba, UBND huyện Cư Kuin cho rằng bản tin sử dụng hình ảnh với chú thích "Người dân ngồi vật vờ trước cổng UBND huyện do không có trong thành phần mời tham dự buổi đối thoại" là phản ảnh không đúng bản chất sự việc khiến người đọc hiểu lầm chính quyền vô cảm với người dân.

Về sự việc này, Báo Người Lao Động trả lời như sau: Đối với chi tiết thứ nhất, trước khi tới tham dự buổi họp, Báo Người Lao Động đã có bài viết về tranh chấp giữa công ty cà phê và người dân với nội dung mang tính xây dựng, lý giải vì sao phía chính quyền và công ty không chấp nhận khiếu nại của người dân. Sau đó, phóng viên đã được người dân đề nghị tới dự buổi đối thoại.

Tuy nhiên, khi phóng viên vừa đến cửa phòng họp, chuẩn bị trình thẻ nhà báo thì ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin - người chủ trì buổi họp, đã mời ra ngoài với lý do đây là cuộc họp nội bộ, dù biết mặt phóng viên Báo Người Lao Động. Lúc này, một cán bộ huyện đã tới mời phóng viên ra ngoài và đóng cửa lại.

Đối với chi tiết thứ hai, tại cuộc họp, ngoài phóng viên Báo Người Lao Động thì còn có một cộng tác viên của chuyên trang Bảo vệ Công lý.

Đối với chi tiết thứ ba, Báo Người Lao Động đã phản ánh đúng và chú thích rõ ràng.

Báo Người Lao Động khẳng định phóng viên đã tác nghiệp theo đúng quy định của Luật Báo chí năm 2016 và hoàn toàn khách quan.

Như Người Lao Động điện tử đã phản ánh, sáng 24-11, UBND huyện Cư Kuin tổ chức buổi tiếp công dân về việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân trong việc phân chia giá trị bồi thường, hỗ trợ trên phần diện tích đất của các công ty cà phê khi nhà nước thu hồi đất làm đường.

Trước khi buổi họp diễn ra, người dân đã đề nghị cơ quan báo chí có mặt tại cuộc họp để nắm bắt tình hình. Do đó, sáng cùng ngày, phóng viên đã vào phòng họp liên hệ với ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin - người chủ trì, để xin phép được tham dự.

Tuy nhiên, khi thấy phóng viên vào phòng, chuẩn bị trình thẻ tác nghiệp, ông Huy đã nhất quyết yêu cầu ra ngoài, mặc cho phóng viên giải thích. Cùng lúc này, một số cán bộ huyện tiếp tục yêu cầu phóng viên ra khỏi phòng họp và đóng cửa lại trước sự ngỡ ngàng của người dân đang dự buổi đối thoại.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã phản ánh hàng chục hộ dân có đất liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức và Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng khiếu nại về việc bị thu hồi đất thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh - đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhưng bị công ty phân chia tiền bồi thường tài sản trên đất không hợp lý.

Ông Bùi Thanh Sơn (ngụ huyện Cư Kuin) cho biết năm 1993, ông nhận khoán 0,85 ha cà phê với Công ty Việt Đức. Đến năm 2017, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng tái canh cây cà phê và công ty không đầu tư đồng nào. Hiện nay, gia đình bị thu hồi 787 m2 đất để làm đường với giá trị bồi thường vườn cây là hơn 97 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất là hơn 102 triệu đồng. Dù không đầu tư tái canh vườn cây nhưng Công ty Việt Đức đòi chia số tiền bồi thường vườn cây theo tỉ lệ công ty 52%, ông Sơn chỉ được 48%.

Hàng chục hộ dân nhận khoán tại 2 công ty này ngoài việc đề nghị được nhận bồi thường 100% giá trị vườn cây, cũng đề nghị được nhận 100% giá trị hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Trong khi đó, lý giải về việc không đầu tư tái canh vẫn đòi phân chia, đại diện Công ty Việt Đức cho rằng trong phương án tái canh cây cà phê từ năm 2014 đến nay thì 1 ha công ty đầu tư 113 triệu đồng (tương ứng với 52% giá trị tái canh). Trong đó, có khoản tiền đầu tư thuê đất, chi phí quản lý và tiền chi trả trực tiếp để đầu tư cho người lao động gần 77 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, phần lớn người lao động nói trên không đồng ý tái ký hợp đồng giao nhận khoán và nhận tiền chi trả nên công ty đã nộp vào kho bạc nhà nước.

Từ cơ sở đó, khi nhà nước bồi thường tài sản trên đất những diện tích cà phê tái canh, công ty lấy lại 52%. Dù công ty muốn trả 100% giá trị bồi thường cho người lao động cũng không được vì hồ sơ, sổ sách là vậy; nếu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước thì công ty phải chịu trách nhiệm.

TS

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ubnd-huyen-phan-hoi-thong-tin-doi-thoai-voi-dan-nhung-huyen-cam-cua-bao-chi-20221210102942963.htm