UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin sau phản ánh của Báo Thanh Hóa
Thực hiện Công văn số 8591/UBND-KTTC ngày 17/6/2024 của UBND tỉnh về việc giao kiểm tra, xác minh và xử lý đối với nội dung phản ánh tại Bản tin hàng ngày số 111-TNg/VPTU ngày 14/6/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy, nêu Báo Thanh Hóa điện tử ngày 13/6/2024 bài: 'Lay lắt chợ phường...' của tác giả Sơn Đình, UBND TP Thanh Hóa đã có báo cáo bằng văn bản.
Theo đó, ngày 8/7/2024, UBND TP Thanh Hóa đã có Văn bản số 4341/UBND-KT báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý đối với nội dung phản ánh tại Bản tin Hàng ngày số 111-TNg/VPTU ngày 14/6/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy.
Theo kết quả xác minh cho thấy, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty CP Xây dựng cầu đường 5 thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng chợ Quảng Thành, tại phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND, ngày 2/5/2018.
Theo đó, Công ty CP Xây dựng cầu đường 5 được thuê 8.877,3 m2, thời gian thuê 50 năm để đầu tư xây dựng, quản lý chợ (doanh nghiệp trực tiếp quản lý chợ Quảng Thành). Quy mô dự án, xây dựng chợ hạng II với 380 điểm kinh doanh, bao gồm các hạng mục công trình: khu nhà chợ chính 1 tầng; nhà điều hành 3 tầng; các khu ki ốt và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.
Cuối năm 2019, chợ hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Công ty CP Xây dựng cầu đường 5 đã tiến hành xây dựng phương án kinh doanh phát triển chợ, tập trung tuyên truyền thu hút tiểu thương vào chợ để kinh doanh.
UBND thành phố, UBND phường Quảng Thành đã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện, thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác ra quân sắp xếp, xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn; tuyên truyền các chính sách ưu đãi đối với các hộ đăng ký vào kinh doanh tại chợ Quảng Thành...
Mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển chợ, kêu gọi tiểu thương vào chợ kinh doanh nhưng hiện nay chợ Quảng Thành gần như ngừng hoạt động, không thu hút được tiểu thường vào kinh doanh, không thu hút được người dân tham gia mua bán, thực trạng trên xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Vị trí khu chợ nằm trái với chiều di chuyển của công nhân tại Khu Công nghiệp Lễ Môn nên không thu hút được công nhân của khu công nghiệp vào chợ để mua hàng hóa khi kết thúc công việc.
Hiện nay, tại cổng Khu Công nghiệp Lễ Môn đang tồn tại điểm kinh doanh phục vụ mua bán thuận tiện cho công nhân tại khu công nghiệp khi có nhu cầu.
Người dân từ lâu đã quen với việc mua bán tại điểm kinh doanh của nhà dân ven đường trên địa bàn phường Quảng Thành và vùng lân cận.
Mặc dù thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND phường Quảng Thành tổ chức xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát dọc tuyến đường Thanh Chương, phố Thành Công để bố trí các hộ kinh doanh nơi đây vào chợ Quảng Thành để kinh doanh nhưng do đa số các hộ kinh doanh tại nhà hoặc cho thuê địa điểm nằm trong khuôn viên khu đất của hộ gia đình nên việc xử lý, chấm dứt hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Phường Quảng Thành là địa phương đang còn sản xuất nông nghiệp, nên khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm khá cao; từ đó giảm thấp nhu cầu mua sắm của Nhân dân; một phần nhu cầu hiện nay, người dân phường Quảng Thành và các vùng lân cận mua bán hàng hóa tại chợ phường Quảng Hưng nên lượng người mua giảm.
Sự phát triển nhanh chóng và thuận tiện của loại hình chợ hiện đại, chợ online... đã ảnh hưởng sâu sắc đến loại hình chợ truyền thống, đó cũng là tình trạng chung trên địa bàn cả nước nên việc thu hút tiểu thương, người dân vào buôn bán, kinh doanh tại chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn, phần nào giảm nhu cầu mua hàng hóa tại chợ.
Về việc Công ty CP Xây dựng cầu đường 5 lắp đặt bể bơi trong khuôn viên chợ Quảng Thành (hạng mục không có trong danh mục đầu tư tại chợ). Theo báo cáo cho thấy, xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của các cháu học sinh trong dịp nghỉ hè cần có nơi tập bơi phòng, chống đuối nước nên vào đầu tháng 5/2024 Công ty cầu đường 5 (đơn vị quản lý chợ) đã cho hộ ông Nguyễn Sỹ Tuấn (người địa phương) mượn sân chợ trong thời gian 3 tháng (từ tháng 5 đến hết tháng 7/2024) để lắp đặt bể bơi tạm với diện tích gần 100 m2 nhằm phục vụ các cháu thiếu nhi tập bơi phòng, chống đuối nước và sẽ tháo dỡ vào cuối tháng 7/2024 theo quy định.
Báo cáo của UBND TP Thanh Hóa cũng nêu ra một số giải pháp trong thời gian tới, như: UBND TP Thanh Hóa yêu cầu các phòng, ban, đơn vị thành phố; UBND các phường, xã liên quan tập trung xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát, sắp xếp các điểm kinh doanh tự phát vào chợ hợp pháp để kinh doanh theo quy định...
Đối với phường Quảng Thành, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh, của thành phố, của phường trong việc thu hút tiểu thương vào kinh doanh tại chợ; chính sách ưu đãi đối với các hộ kinh doanh, đồng thời thông báo rộng rãi tới nhân dân biết thời gian và thủ tục đăng ký vào kinh doanh tại chợ Quảng Thành. Đối với Công ty CP Xây dựng cầu đường 5, đề nghị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, thu hút các hộ kinh doanh vào các chợ để kinh doanh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các tiểu thương kinh doanh trong chợ đảm bảo theo quy định....
Trước đó, Báo Thanh Hóa điện tử ngày 13/6/2024 có bài “Lay lắt chợ phường...” phản ánh nội dung: Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, chợ Quảng Thành (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại cho địa phương. Song, sau nhiều năm đưa vào hoạt động, đến nay chợ không một bóng người?!