UBND tỉnh đánh giá tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023
Chiều 6/7, UBND tỉnh tổ chức họp thường kỳ tháng 6, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023; cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình BTV Tỉnh ủy, văn kiện trình kỳ họp HĐND tỉnh; văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh và các nội dung khác phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
6 tháng đầu năm 2023, trong tỉnh các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn, thị trường. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Một bộ phận lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Thu hút đầu tư đạt thấp, thị trường bất động sản đình trệ; một số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng chậm hoặc không triển khai.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 0,73%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; công nghiệp - xây dựng giảm 2,05%; dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm giảm 2,68%. Trong 6 tháng, thu NSNN mới đạt 26% dự toán HĐND tỉnh giao, thu tiền sử dụng đất và thu từ bán tài sản dôi dư theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ chỉ đạt 2,4% kế hoạch năm. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công mới đạt 14% so với kế hoạch vốn đã giao cho các dự án. Tỷ lệ người tham gia BHYT còn phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trên cơ sở báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, dự báo năm 2023 có 7/19 chỉ tiêu không đạt, gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; tổng thu NSNN; năng suất lao động; tỷ lệ người dân tham gia BHYT; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Thảo luận nguyên nhân về một số chỉ tiêu đạt thấp, nguy cơ không đạt, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, diễn biến bất lợi của thế giới và khu vực đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư, thị trường bất động sản....; nhiều đơn hàng bị cắt giảm, dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô doanh nghiệp, nhiều lao động mất việc làm. Mặt khác, do thực hiện các chính sách về những giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh trong năm 2022, năm 2023 đã làm giảm số thu NSNN từ các khoản thuế, phí năm 2023 của địa phương; số thu tiền sử dụng đất dự báo không đạt kế hoạch do thị trường bất động sản trầm lắng, năng lực tài chính của các nhà đầu tư còn hạn chế...
Tại cuộc họp, các đại biểu đã xem xét và cho ý kiến vào một số báo cáo, tờ trình về tình hình triển khai các dự án đầu tư trọng điểm dự kiến khởi công năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Báo cáo công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ và đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức tháng 6/2023; Đề án của UBND TP Hòa Bình về tập trung sự lãnh đạo xây dựng TP Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình; tờ trình về dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 30-KH/TU, ngày 24/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và nhiều nội dung quan trọng khác.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nguồn đất đắp cho các công trình. Đối với các dự án trọng điểm, các sở, ngành chủ động, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi đất lúa, chuyển đổi rừng để sớm triển khai thực hiện. Đối với các dự án chậm tiến độ, tiếp tục triển khai quy trình xử lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ phân cấp quản lý, giao Sở KH&ĐT nghiên cứu, hội thảo đưa ra phương án thực hiện phân cấp quản lý trong phát triển KT-XH một cách phù hợp. Đối với nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, đề nghị Sở KH&ĐT nhanh chóng hoàn thiện để triển khai thực hiện, đặc biệt quan tâm tính toán kỹ lưỡng đến sự đồng bộ giữa các quy hoạch.
Về nhiệm vụ sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, đề nghị các huyện chưa hoàn thành, chủ động rà soát, cố gắng sắp xếp cán bộ theo đúng quy định. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố quan tâm các biện pháp phòng, chống thiên tai, mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...