UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 2 - 2021: Thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng
Ngày 23 - 2, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 2 - 2021 đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận và thông qua.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2021.
Theo đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, dịch bệnh trên địa bàn Thanh Hóa được kiểm soát tốt.
Cùng với đó, kinh tế - xã hội cơ bản ổn định và có bước phát triển, một số lĩnh vực tăng khá so với cùng kỳ như: Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 25,8%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 5,6%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 1,7%...
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2021.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, nghĩa tình và trọn vẹn; an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm tạo niềm tin trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo khí thế, động lực mới để hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ như thu ngân sách Nhà nước giảm 29,9%, doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 6,9%, doanh thu vận tải giảm 4,2%; số lao động được giải quyết việc làm đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ…
Các đại biểu tham gia phiên họp.
Dự báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn Thanh Hóa dù dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan là rất cao và sẽ tác động không nhỏ đến tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của Nhân dân.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tuy nhiên, trong thời gian tới Thanh Hóa cũng có những thuận lợi khi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Một số dự án lớn sẽ được khởi công như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Hoằng Hóa - Quảng Xương và Quảng Xương - Tĩnh Gia; Dự án thành phần cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát (Nghệ An); đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa)...
Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp.
Các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế, đưa ra giải pháp thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và trong thời gian tới; thảo luận những nội dung liên quan đến việc thu ngân sách Nhà nước; vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; hoạt động thu hút đầu tư; chất lượng quy hoạch đô thị; hoạt động phòng, chống dịch COVID-19…
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong tháng 2-2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ, kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, một số lĩnh vực có sự tăng trưởng.
Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 các ngành, các cấp đã bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tạo khí thế thi đua sôi nổi; kỷ luật, kỷ cương được thực hiện tốt, nghiêm minh.
Các ngành, địa phương cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đặc biệt là kiềm chế dịch COVID-19 và phát triển kinh tế.
Việc chăm lo cho đời sống Nhân dân từ đối tượng chính sách đến người lao động đều được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững tạo sự yên tâm, phấn khởi trong Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận nội dung đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 - 2021.
Đồng chí Chủ tịch UBND tinh cũng chỉ ra những những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới, nhất là vấn đề thu ngân sách, doanh thu lưu trú, doanh thu vận tải, sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm tháng 3-2021 đã đề ra, đồng thời đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, các ngành, các cấp cần tập trung xây dựng và tham mưu đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tăng cường trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và tập trung giải quyết ngay các vụ việc nổi cộm, bức xúc. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là người đứng đầu. Siết chặt quản lý Nhà nước trên lĩnh vực quy hoạch, vấn đề sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các sở, ngành nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh, trên cơ sở đó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách chủ trì giải quyết nhanh, kịp thời.
Trong thời gian buổi sáng, tại phiên họp, các đại biểu cũng được thông qua và thảo luận về kết quả đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Buổi chiều, các đại biểu đã dành thời gian xem xét, cho ý kiến về Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”.
Lãnh đạo Sở Nội vụ trình bày tóm tắt Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”
Mục tiêu của Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh” là kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện bảo đảm tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật theo hướng tinh giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm rõ ràng, không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo lãnh thổ.
Đồng chí Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh phát biểu ý kiến góp ý về Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”.
Theo dự thảo Đề án, hiện nay, toàn tỉnh có 19 cơ quan chuyên môn (gọi chung là sở) thuộc UBND tỉnh với 148 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương (gọi chung là phòng), 15 ban, chi cục thuộc sở (gọi chung là chi cục) và 3 tổ chức hành chính đặc thù.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, toàn tỉnh có 8 sở giữ nguyên cơ cấu tổ chức như hiện có, như các sở: Giao thông – Vận tải, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch…; 11 sở có thay đổi về cơ cấu tổ chức do sáp nhập phòng chuyên môn, tổ chức lại chi cục thành phòng, như các sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ… Tổng số phòng thuộc sở là 138 phòng, giảm 10 phòng; dự kiến số phòng thuộc UBND cấp huyện theo định hướng là 297 phòng, giảm 38 phòng. Tổng số chi cục thuộc sở là 12 chi cục, giảm 3 chi cục. Tổng số phòng thuộc chi cục là 41 phòng, giảm 17 phòng…
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Việc thực hiện Đề án khẳng định quyết tâm của UBND tỉnh và ngành chức năng trong triển khai các quy định của Trung ương, của tỉnh về tinh giảm biên chế. Theo đó, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh sớm hoàn chỉnh Đề án theo hướng ngắn gọn, súc tính. Phân tích cụ thể, thấu đáo, sát thực những khó khăn, vướng mắc lựa chọn phương án tối ưu cho việc sắp xếp, sáp nhập một số phòng, ban chuyên môn. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tên gọi của Đề án là “Sắp xếp lại các tổ chức thuộc sở và tương đương; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận về việc thực hiện Đề án “Sắp xếp lại các tổ chức thuộc sở và tương đương; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”.
Tiếp đó, các đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận về Tờ trình Danh mục dự án phải thu hồi đất và danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021; Tờ trình đề nghị ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 6, Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Tờ trình đề nghị ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.
Liên quan đến các tờ trình, quy hoạch trên, đặc biệt là với Tờ trình Danh mục dự án phải thu hồi đất và danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị ngành chức năng rà soát lại các dự án trong diện phải thu hồi, các nội dung khác tiếp tục hoàn thiện để trình HĐND tỉnh. Đối với Tờ trình đề nghị ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 đồng chí đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thống nhất chủ trương đề xuất ban hành cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, ngành chức năng cần phải giành thời gian chuẩn bị kỹ hơn nữa cho việc ban hành cơ chế, chính sách.