UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4-2021: Thảo luận, cho ý kiến vào chương trình, kế hoạch thực Nghị quyết Đại hội Đảng và một số nội dung quan trọng khác
Ngày 14 -4, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4-2021 đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp đó là Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NĐ-CP, ngày 3-2-2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu dự phiên họp.
Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 được thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại.
Mục tiêu của Chương trình nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội.
Theo đó, Dự thảo Chương trình đưa ra các mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế; khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, tài nguyên và môi trường; quốc phòng - an ninh; công tác đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đơn cử như về phát triển kinh tế, mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 11% trở lên; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên; kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD…
Về quốc phòng - an ninh, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Về công tác đối ngoại, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Dự thảo Chương trình hành động đặt ra nhiệm vụ là Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được giao xây dựng dựng chương trình, đề án, cơ chế, chính sách… phải tập trung triển khai thực hiện bảo đảm đạt chất lượng tốt nhất.
Việc xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch, cơ chế, chính sách của tỉnh để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 phải hoàn thành trước ngày 30-6-2022, bảo đảm phù hợp, khả thi, phát huy hiệu quả cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Đối với Dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NĐ-CP của Chính phủ, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, Dự thảo Kế hoạch hành động đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ triển khai thực hiện như: Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 58-NQ/TW; hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, xây dựng cơ chế, chích sách đặc thù; xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế biển và ven biển, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…
Trên cơ sở các nhóm nhiệm vụ, Kế hoạch hành động cũng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể gắn với các chương trình, đề án và giao cho các ngành, đơn vị liên quan chủ trì thực hiện.
Ví dụ như Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2021…
Lãnh đạo Sở GD&ĐT phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Chương trình và Kế hoạch hành động trên, các đại biểu dự phiên họp cơ bản thống nhất nội dung, đồng thời đề nghị điều chỉnh một số chương trình, đề án thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế… trong Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận tại phiên họp.
Phát biểu kết luận nội dung này Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát, thẩm định, điều chỉnh một số nội dung và sớm hoàn thiện Dự thảo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.
Riêng Dự thảo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NĐ-CP của Chính phủ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý nội dung Dự thảo phải bảo đảm thống nhất với nội dung Nghị quyết số 13/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại phiên họp các đại biểu cũng được thông qua và thảo luận về Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Dự thảo Tờ trình về việc quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu ngân sách đối với 10 phường mới được thành lập thuộc TP Thanh Hóa.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Ở nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất chủ trương triển khai thực hiện, đồng thời giao Văn phòng UBND tỉnh rà soát, thẩm định lại nội dung Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trình ký theo quy định.
Giao Sở Tài chính phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện Tờ trình về việc quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu ngân sách đối với 10 phường mới được thành lập thuộc TP Thanh Hóa, trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
Phiên họp cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo kết quả rà soát các đề án trong các chương trình, kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh đã ban hành do Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ trì soạn thảo.
Theo báo cáo rà soát, để cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành triển khai thực hiện 58 nhiệm vụ là các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, cơ chế, chính sách... Trong đó có 37 nhiệm vụ thực hiện trong năm 2021 và 21 nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến đối với 5 nhiệm vụ.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tuy nhiên, qua rà soát, trong số 58 nhiệm vụ có 55 nhiệm vụ được đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện và 3 nhiệm vụ được đề xuất đưa ra ngoài chương trình công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, gồm: Nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời người dân khu vực ven song, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch triển khai 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế để tạo động lực, không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Đối với nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện có 202 nhiệm vụ, gồm 81 nhiệm vụ về xây dựng báo cáo hành chính định kỳ và 121 nhiệm vụ là các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, cơ chế, chính sách.
Trong số 121 nhiệm vụ là các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, cơ chế, chính sách có 116 nhiệm vụ được các đơn vị đề xuất tiếp tục thực hiện, 4 nhiệm vụ đề xuất đưa ra ngoài chương trình công tác năm 2021 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và 1 nhiệm vụ được đề xuất điều chỉnh từ Đề án thành Kế hoạch.
Trên cơ sở kết quả rà soát, cùng ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp, kết luận nội dung này Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất với đề xuất của các đơn vị về việc đưa ra ngoài chương trình công tác những nhiệm vụ chưa cấp thiết triển khai. Đồng thời lưu ý các địa phương, đơn vị có nhiệm vụ đưa ra ngoài chương trình phải giải trình lý do đề xuất đưa ra một cách thấu đáo, phù hợp, có căn cứ pháp lý và sát với tình hình thực tiễn.
Đồng chí đề nghị bổ sung thêm vào chương trình công tác nhiệm vụ rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất ở các nông - lâm trường trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070.
Cũng tại phiên họp các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 27-6-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070.
Kết luận nội dung này Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Huyện Hậu Lộc có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng quá trình phát triển hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, trên cơ sở Quy hoạch, huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy lợi thế của địa phương. Xác định thế mạnh kinh tế biển để ưu tiên cho sự phát triển; đồng thời quan tâm phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bàn.
Trong quá trình phát triển huyện phải có “bài toán” giãn dân đối với một số xã có mật độ dân cư đông, cùng với đó quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.