UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 3-2021: Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I năm 2021 và thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Ngày 18-3, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3-2021 đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2021; nghe và cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh.
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2021 do đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp nêu rõ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng thành công tốt đẹp, tạo khí thế mới, vận hội mới cho cả nước trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 3 bùng phát với diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành đã tác động tiêu cực đến đời sống người dân, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực, cố gắng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội trong quý I vẫn giữ được ổn định, một số lĩnh vực có bước phát triển và khởi sắc.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Theo đó, sản lượng lương thực có hạt tăng 7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 8,3%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,64%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 11,3%; khách du lịch tăng 49,8%; huy động vốn đầu tư phát triển tăng 5,4%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 31,1% kế hoạch và tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp
An sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời, nhất là đối với người có công với cách mạng, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được được giữ vững, các địa phương, đơn vị đã triển khai công việc nghiêm túc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Công thương phát biểu ý kiến tại phiên họp
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện đúng luật, đảm bảo tiến độ kế hoạch, với cách làm bài bản, khoa học, được Trung ương đánh giá cao.
“Mục tiêu kép” được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình và trọn vẹn.
Đồng chí Phạm Bá Oai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2021 của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Một số ngành, lĩnh vực sản xuất còn gặp khó khăn; thu ngân sách Nhà nước giảm so với cùng kỳ; tiến độ triển khai thực hiện lập quy hoạch các phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn còn chậm; kết quả thu hút đầu tư thấp và giảm so với cùng kỳ; việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp vẫn còn ở mức cao...
Đại diện lãnh đạo Sở Tài Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tại phiên họp các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến thu ngân sách Nhà nước; tiến độ triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư; vấn đề lập quy hoạch sử dụng đất; tình trạng thừa - thiếu giáo viên, vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội chưa được giải quyết triệt để… Đồng thời đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm quý II-2021 đã đề ra, đó là các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với phương châm chủ động, tích cực, sáng tạo, đảm bảo an toàn sức khỏe của Nhân dân; tập trung hoàn thiện các chương trình hành động, chương trình trọng tâm, kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá; triển khai xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ; chủ động xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 và tình hình thực tế...
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận nội dung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2021.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các ngành, địa phương chủ động triển khai có hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tập trung hoàn thiện các quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; đồng thời thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhiệm vụ thu hút đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các ngành chức năng tham mưu đề xuất giải pháp về nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quy hoạch. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố khẩn trường hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện.
Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kỷ, luật kỷ cương trong thực hiện công vụ, cải cách hành chính, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm an toàn, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian buổi sáng các đại biểu cũng đã thảo luận cho ý kiến về Tờ trình sửa đổi Khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; dự thảo Kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh năm 2021; Quy hoạch vùng huyên Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.
Đối với những nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất chủ trương thực hiện, đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ trì phối hợp với ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh nội dung theo yêu cầu.
Buổi chiều các đại biểu nghe và cho ý kiến về Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, không ngừng nâng cao mọi mặt chất lượng đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2025, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển dịch vụ du lịch, công nghiệp lọc hóa dầu và luyện kim, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch cung cấp cho thị trường nội tỉnh và cả nước; GRDP bình quân đầu người của Thanh Hóa đạt và vượt mức bình quân chung cả nước.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.Đến năm 2030, xây dựng Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.Để thực hiên mục tiêu trên, dự thảo Quy hoạch đưa ra các phương án phát triển cho từng giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; xác định các danh mục dự án ưu tiên đầu tư gắn với phát triển các trung tâm kinh tế động lực, trụ cột kinh tế, các hành lang kinh tế, các vùng liên huyện, vùng huyện… Đồng thời xác định 6 nhóm giải pháp thực thiện hiện quy hoạch như huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế chính sách liên kết phát triển…Kết luận nội dung này, chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu đóng góp ý kiến và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.