UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2023: Thảo luận, quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 8-2023
Ngày 24-7, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7-2023 nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7; thảo luận, quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 8-2023 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp có Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7-2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có bước phát triển, trong đó nổi bật là: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Các địa phương đang tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc, đảm bảo cho cây trồng có điều kiện phát triển tốt nhất. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong tháng có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 28 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 12,04%, có 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Trong tháng 7, tình hình cấp điện trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại, đảm bảo nhu cầu cho sản xuất của các doanh nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được quan tâm. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, giá của 13 loại vật liệu xây dựng chủ yếu tháng 7-2023 giảm 0,4% so với tháng 6-2023, trong đó thép giảm 2%, nhựa đường giảm 3%, xăng A92 giảm 2%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 13,1%, tổng lượt khách du lịch tăng 10,3%, tổng thu du lịch tăng 24,4% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách tăng 28,1%, doanh thu vận tải tăng 28,6%.
Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; giáo dục đào tạo đạt kết quả tích cực, có 1 học sinh đoạt HCB tại kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế, 1 thủ khoa toàn quốc (khối B00) tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các LLVT đã tăng cường tuần tra, bám sát địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình tuyến biên giới, trên biển và địa bàn trọng điểm, ứng phó kịp thời mọi tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tiến độ lập, thẩm định và trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện chưa đảm bảo theo yêu cầu; một số vướng mắc trong công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm; việc tính tiền sử dụng đất các dự án sản xuất, kinh doanh để sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai còn chậm.
Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công khởi công mới năm 2023 còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA thấp. Hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, quy mô vốn của doanh nghiệp thành lập mới giảm 69,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường giảm 21,6%; số doanh nghiệp thông báo giải thể tăng 25%. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, bậc học, nhất là đối với giáo viên tiểu học chưa được giải quyết triệt để…
Trên cơ sở nội dung báo cáo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và những tháng cuối năm 2023.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc cung cấp thuốc, vật tư y tế; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực trạng, chiến lược cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề phát triển du lịch; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong tháng 7-2023 nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém trên một số mặt công tác vẫn còn hiện hữu, đòi hỏi các ngành, các địa phương phải tập trung khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2023 đã đề ra trong báo cáo; đồng thời nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trong thời gian tới và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường, củng cố và giữ gìn tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhất là trong tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người lao động; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, vừa động viên, chia sẻ để cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người lao động nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều phần việc, nhiệm vụ phải triển khai thực hiện, tuy nhiên các ngành, các cấp cần phải lựa chọn những phần việc có trọng tâm, trọng điểm để triển khai bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đồng chí cũng lưu ý các cấp, các ngành cần tập trung triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, những kết luận tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14 vừa diễn ra. Đề nghị Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời yêu cầu các ngành, các địa phương thực hiện tốt các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các ngành rà soát lại những nhiệm vụ đã được giao theo từng ngành, từng lĩnh vực; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới như: Việc thực hiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Tham mưu tổ chức các hội nghị bàn giải pháp thực hiện hiệu quả hoạt động thu NSNN; việc trùng tu tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; đánh giá kết quả đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng sớm tham mưu thành lập Tổ công tác rà soát thu hồi các dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất đai…
Phiên họp cũng đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lầm thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh).
Các đại biểu thống nhất cao với kết cấu báo cáo gồm 2 phần: Tình hình, kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, kèm theo các phụ lục số liệu thống kê chi tiết các kết quả đã đạt được, có so sánh, đối chiếu với mục tiêu mà Nghị quyết đại hội đã đề ra trong cả nhiệm kỳ.
Theo đánh giá của các đại biểu tại phiên họp, báo cáo bảo đảm tính khoa học, rõ ràng, dễ theo dõi, tổng hợp cụ thể những khó khăn, thuận lợi của tỉnh Thanh Hóa trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết trên từng lĩnh vực như: phòng chống dịch COVID-19, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng…; bám sát các chương trình trọng tâm, khâu đột phá mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, báo cáo cần đi sâu phân tích và dành thời lượng xứng đáng nhằm đánh giá thêm kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, từ đó đưa ra dự báo, các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Việc tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá và nhìn lại chặng đường đã đi qua, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ, vì vậy việc chuẩn bị báo cáo là hết sức quan trọng.
Với ý nghĩa đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo và yêu cầu các đại biểu tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo bảo đảm có chất lượng, mang tính tổng quát cao, nêu bật những kết quả đạt được, những việc chưa làm được và định hướng giải pháp thực hiện cho nửa nhiệm kỳ còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo báo cáo, đồng thời nhấn mạnh quan điểm báo cáo phải đánh giá đúng thực chất kể cả kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nội dung báo cáo phải có điểm nhấn trên từng lĩnh vực, từng nội dung.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn lưu ý, báo cáo cần phải nhấn mạnh bối cảnh thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nêu bật những khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được để thấy được sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong chỉ đạo điều hành và thực hiện. Đồng thời dự báo sát tình hình thực tiễn trong nửa nhiệm kỳ còn lại để đưa ra giải pháp thực thi các nhóm nhiệm vụ đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, tham mưu hoàn thiện nội dung các báo cáo liên quan đến 7 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá theo bố cục đã được Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý tại phiên họp.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật…