UBND tỉnh Khánh Hòa sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1371
Chiều 14-8, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 (2021-2024) thực hiện Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (Đề án 1371). Đồng chí Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị.
Qua 3 năm thực hiện, Đề án 1371 luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, tổ chức và chính quyền các địa phương. Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, trung tâm trong thực hiện Đề án 1371 trên địa bàn tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, triển khai thực hiện Đề án 1371 đến cán bộ, chiến sĩ.
Các cơ quan ban ngành, đơn vị đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, như: Phổ biến tập trung trực tiếp, nói chuyện pháp luật thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, sử dụng bảng, biển, biểu ngữ, tranh cổ động, làm công tác dân vận, hoạt động giao lưu, kết nghĩa, văn hóa, văn nghệ… Tổ chức học tập các chuyên đề về phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, phát hành hơn 1.500 tờ gấp pháp luật và cấp hơn 1.200 đầu sách pháp luật đến các đơn vị, địa phương làm tài liệu tuyên truyền.
Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá những hạn chế, khó khăn như: Nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức chấp hành chưa tốt, còn xảy ra vi phạm pháp luật về giao thông, chống người thi hành công vụ, mua bán, vận chuyển ma túy. Trình độ, năng lực, nghiệp vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, công tác vận động nhân dân tham gia tuyên truyền pháp luật có thời điểm còn khó khăn…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Thiệu yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương cần tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc thực hiện đề án. Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, cơ quan chính trị, pháp chế chủ động trong tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án 1371. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật. Cùng với đó, bám sát vào tình hình và điều kiện thực tế, phong tục, tập quán của từng địa phương, đơn vị, xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, mạng xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền, vận động nhân dân tìm hiểu và chấp hành pháp luật, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.