UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập 13 cơ quan chuyên môn và 1 tổ chức trực thuộc

Tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án thành lập 13 cơ quan chuyên môn và 1 tổ chức hành chính trực thuộc UBND tỉnh.

Ngày 2-7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười đã ký thống nhất Đề án thành lập các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông đều có 13 cơ quan chuyên môn và một tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao quyết định cho ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh VÕ TÙNG.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao quyết định cho ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh VÕ TÙNG.

Hợp nhất nguyên trạng các cơ quan chuyên môn

Cụ thể, 13 cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Công Thương; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Sở Dân tộc và Tôn giáo và một tổ chức khác trực thuộc UBND tỉnh là Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Về tổ chức bộ máy thực hiện sắp xếp trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh để thành lập 13 cơ quan chuyên môn và một tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng (mới).

Cùng với đó, thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng do có cửa khẩu quốc tế đường hàng không (Cảng Hàng không Quốc tế Liên Khương) và cảng biển Quốc tế (Cảng biển Quốc tế Vĩnh Tân).

Về biên chế, nhân sự: Tại thời điểm hợp nhất, tổng số biên chế được giao của ba địa phương là 3.597 biên chế; tổng số công chức có mặt là 3.145 người.

Tổng số biên chế viên chức được giao là 15.068 người (nguồn ngân sách Nhà nước); tổng số viên chức có mặt là 17.114 người (bao gồm viên chức hưởng lương từ ngân sách và nguồn thu sự nghiệp)

Từ năm 2026 trở đi sẽ thực hiện tinh giản biên chế gần với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền.

 Từ năm 2026 trở đi tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện tinh giản biên chế gần với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình. Ảnh PN.

Từ năm 2026 trở đi tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện tinh giản biên chế gần với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình. Ảnh PN.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan chuyên môn: Trước mắt, chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành về các sở, ban, ngành (mới).

Sau khi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh mới đi vào hoạt động sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.

Sẽ sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo lộ trình

Về phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động dự kiến: Đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập: thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trước mắt số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan sau sắp xếp có thể cao hơn quy định và giảm dần theo lộ trình bảo đảm thực hiện quy định của Chính phủ.

 Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VT.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VT.

Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí lãnh đạo, quản lý (trưởng phòng và tương đương) của các tổ chức cấu thành thuộc sở khi sắp xếp, phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả đánh giá cán bộ hằng năm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới.

Đối với người đứng đầu (trưởng phòng và tương đương) không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu sau sắp xếp thì được bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề và được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trước mắt, số lượng cấp phó (phó trưởng phòng và tương đương) sau sắp xếp có thể cao hơn quy định. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 5 năm.

Đối với công chức, viên chức, người lao động hợp đồng, trước mắt các cơ quan mới thành lập tiếp nhận toàn bộ công chức, viên chức, người lao động hợp đồng hiện có tại cơ quan, đơn vị tương ứng để sắp xếp, bố trí, phân công tác theo quy định.

Sau đó, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.

 Tỉnh Lâm Đồng giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của CBCCVC chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Tỉnh Lâm Đồng giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của CBCCVC chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Về phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách cho CBCCVC: Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của CBCCVC chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy mà vẫn là CBCCVC tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định.

Căn cứ quy định của Chính phủ, quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với CBCCVC của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của CBCCVC chịu tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy...

PHƯƠNG NAM-VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ubnd-tinh-lam-dong-thanh-lap-13-co-quan-chuyen-mon-va-1-to-chuc-truc-thuoc-post858419.html