UBND tỉnh nghe báo cáo tiến độ chuẩn bị Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ V
Sáng 1.11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, UBND tỉnh tổ chức họp nhằm nghe báo cáo tiến độ chuẩn bị tổ chức các sự kiện trong Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ V năm 2019. Dự họp có đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ngành, UBND thành phố và các huyện trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tại buổi họp, lãnh đạo các sở VHTT&DL, KH&CN, Công thương và Sở KH&ĐT báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ V; Hội thảo Quốc gia về “Liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông – Tây Bắc”; tiến độ triển khai Lễ khánh thành Dự án KawaTech; Hội chợ cam Sành và các sản phẩm nông sản của tỉnh; Lễ động thổ dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở Shophouse; tiến độ dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo thành phố Hà Giang…
Theo đó, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ V chính thức khai mạc vào ngày 16.11.2019, tại sân vận động thị trấn Đồng văn, huyện Đồng Văn với chủ đề “Sắc mầu hoa đá”. Đến nay, các huyện đã tập trung chỉ đạo gieo trồng hoa Tam giác mạch đảm bảo diện tích theo kế hoạch của Ban tổ chức. Các điểm trồng hoa tập trung chủ yếu ở dọc tuyến Quốc lộ 4C, các điểm dừng chân, các điểm du lịch chính của các huyện. Tổng diện tích gieo trồng Tam giác mạnh năm nay trên 482ha, trong đó huyện Đồng Văn là 250ha, huyện Yên Minh là 50ha, huyện Mèo Vạc là 96ha và Quản Bạ là 86,8ha…
Thảo luận tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo cho Lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp theo đúng kế hoạch đề ra, để lại ấn tượng trong lòng du khách khi đến với Hà Giang…
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, nhấn mạnh: Việc tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch cần phải quan tâm thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, tạo thương hiệu cho du lịch của tỉnh, trong đó hoa Tam giác mạch là linh hồn của Lễ hội, do vậy các huyện cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng hoa, địa điểm trồng hoa... Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau Lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.Ư và địa phương; tăng cường kiểm tra chất lượng các dịch vụ; cảnh quan môi trường; công tác chăm sóc sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm; phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; lễ tân, hậu cần… Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND phối hợp cùng Văn phòng Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan thống nhất danh sách đại biểu, khách mời, lịch trình của khách mời tham dự Lễ hội tại tỉnh để báo cáo Thường trực UBND tỉnh.
Đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu 100% các đồng chí trong BTV Huyện ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có mặt thường trực, tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội. Có kế hoạch đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp; chủ động treo băng zôn tuyên truyền, quảng bá về Lễ hội trên các trục đường chính và các tuyến đường giao giữa các huyện...
Tin, ảnh: Phi Anh