UBND tỉnh tập trung chỉ đạo 10 nội dung trong 6 tháng cuối năm (*)

Chiều 5/7, tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVI, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã có bài phát biểu làm rõ hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, đặc biệt là một số nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Báo Lào Cai lược ghi bài phát biểu quan trọng này.

 Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVI là kỳ họp thứ 4 trong năm. Như vậy, từ đầu năm đến nay bình quân cứ 2 tháng tổ chức 1 kỳ họp. Điều này cho thấy khối lượng các công việc, nội dung cần HĐND tỉnh quyết định rất lớn và thể hiện sự phối hợp, hỗ trợ của HĐND tỉnh đối với hoạt động điều hành của UBND tỉnh rất chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của năm 2024 cũng như của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực thảo luận, phân tích, đánh giá, tham gia đóng góp vào các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Hầu hết ý kiến đều đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức, chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

 Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong dự kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong dự kỳ họp.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kỳ vọng!

Thực hiện Nghị quyết số 48 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, từ 25 nhóm chỉ tiêu Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành 42 chỉ tiêu cụ thể. Các mục tiêu đặt ra là mức phấn đấu rất cao và phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao thì mới hoàn thành được.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại kỳ họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại kỳ họp.

Trong quá trình điều hành, chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi, khó khăn đan xen.

Một số thuận lợi đó là, Trung ương tiếp tục dành sự quan tâm rất lớn đối với Lào Cai và các tỉnh biên giới thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc bằng các định hướng, chủ trương lớn. Trong đó đã xác định Lào Cai là 1 cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối giữa Việt Nam, ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc.

Nhiều kiến nghị về kết nối giao thương chiến lược như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tốc độ cao từ Lào Cai đi Hải Phòng ngày càng được hiện thực hóa thông qua tuyên bố chung của hai Tổng Bí thư, các cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là cơ hội lớn cho Lào Cai bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.

Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các cấp, các ngành phía bạn được tăng cường, mở rộng một cách thực chất, ngày càng thiết thực, hiệu quả, qua đó đã đẩy mạnh được hoạt động giao thương, du lịch.

Nhiều quy định, chủ trương, chính sách kinh tế quan trọng được Trung ương, Chính phủ triển khai quyết liệt, kịp thời, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế. Nổi bật như Quy hoạch vùng Trung du, miền núi phía Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ có nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt về cơ chế hạ tầng, phát triển khu kinh tế cửa khẩu, quản lý rừng, nguồn nước và an sinh xã hội.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy; sự phối hợp, tăng cường chặt chẽ của HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách thiết thực, kỹ lưỡng, phù hợp và có chất lượng; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh quyết liệt, thường xuyên, toàn diện hơn; các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội quan trọng của tỉnh. Do vậy, các chỉ tiêu kinh tế tuy chưa cao như kỳ vọng nhưng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và nhiều chỉ số xếp hạng của tỉnh cũng tăng ở mức cao so với năm trước.

Một số khó khăn đó là, ngoài các khó khăn chung do tình hình thế giới diễn biến phức tạp có tác động đến nước ta và các địa phương thì nội tại nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa được phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Các khó khăn của các dự án công nghiệp chưa được tháo gỡ một cách đồng bộ; hoạt động xuất - nhập khẩu chưa tạo đột phá, còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa kết nối doanh nghiệp và các ngành hàng tốt, chi phí logistics còn cao, cửa khẩu số mới ở bước đầu, chưa liên thông toàn diện.

Các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, quy định khác chưa được tháo gỡ…

Do đó dẫn đến kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp so với mục tiêu, kỳ vọng, trong đó ngành công nghiệp có mức tăng trưởng tương đối thấp, đặc biệt thủy điện và công nghiệp khai khoáng là hai lĩnh vực thế mạnh của tỉnh nhưng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ.

Từ những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh nhận thấy có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, UBND tỉnh nghiêm túc nhìn nhận và thấy rằng chính các nguyên nhân chủ quan lại là chủ yếu, đặc biệt là việc tác nghiệp, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa thực sự trơn tru, cụ thể, rành mạch, có trường hợp thận trọng quá mức, chưa tận dụng hết các cơ hội phục hồi và phát triển từ bên trong và bên ngoài của tỉnh. Trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong một số trường hợp chưa được phát huy đầy đủ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền dẫn đến không đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc...

Ngoài ra, còn có các khó khăn, tồn tại khác mà các vị đại biểu HĐND, các ban HĐND và cử tri đã chỉ ra, UBND tỉnh xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến để tiếp tục phát huy các kết quả, khắc phục các hạn chế, tồn tại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, nỗ lực hơn nữa để cùng toàn Đảng bộ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ đã đặt ra.

 Đại biểu dự kỳ họp.

Đại biểu dự kỳ họp.

Một số nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới

Thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ không còn nhiều nhưng yêu cầu và mục tiêu còn rất lớn, UBND tỉnh đã tập trung điều hành và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu trọng tâm với 3 nội dung chính sau:

Một là, tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu cao nhất, trong đó tập trung vào: đầu tư - xuất nhập khẩu - tiêu dùng.

Hai là, quan tâm hơn nữa, chỉ đạo thường xuyên, đúng mức, thực chất cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không được để những khó khăn về kinh tế ảnh hưởng đến các lĩnh vực về văn hóa - xã hội, đặc biệt là giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, nước sạch, thông tin, bảo hiểm xã hội... Đây chính là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Ba là, tiếp tục đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng tầm và phát huy hiệu quả công tác, hoạt động đối ngoại.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nêu 10 nội dung tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nêu 10 nội dung tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện thời gian tới.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung lựa chọn 10 nội dung để tổ chức triển khai thực hiện, vừa đảm bảo hoàn thành mục tiêu của năm 2024 vừa làm tiền đề cho những năm tiếp theo.

Nội dung 1: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Hiện tại đã thu được 52% so với dự toán Trung ương giao nhưng theo dự toán HĐND tỉnh giao còn thấp, chỉ đạt khoảng 40%.

Mặc dù tăng 38% so với cùng kỳ năm trước nhưng mục tiêu phải đạt 12.800 tỷ đồng là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Sở Tài chính, cơ quan Thuế, Hải quan và các các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu này.

Nội dung 2: Giải ngân xây dựng cơ bản và các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỉnh Lào Cai đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giải ngân xây dựng cơ bản. Vấn đề đặt ra, ngoài phấn đấu giải ngân phải sớm đưa các công trình vào sử dụng để phát huy hiệu quả, đặc biệt là các dự án giao thông, y tế, giáo dục.

Công tác giải phóng mặt bằng, những khó khăn về nguồn nguyên vật liệu xây dựng, thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng cơ bản sẽ tiếp tục được tập trung chỉ đạo, để đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả các công trình.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp mới giải ngân được gần 6% trong tổng số 1.400 tỷ đồng. Đây là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn theo các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong thời gian tới, đề nghị Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo 3 chương trình mục tiêu quốc gia tập trung chỉ đạo vì hiện nay toàn bộ khối lượng công việc của chương trình mục tiêu quốc gia cơ bản thuộc ở cấp huyện.

Nội dung 3: Tập trung vào một số dự án trọng điểm có ý nghĩa chiến lược như Dự án Cảng hàng không Sa Pa và các dự án kết nối: Cầu Bản Vược, đường Kim Thành - Ngòi Phát, IC18, IC19, đường Trần Hưng Đạo kéo dài. Đây là các dự án do Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ giao danh mục.

Nội dung 4: Dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai – dự án này sẽ được ưu tiên đầu tư đầu tiên. Đây là công trình trọng điểm quốc gia nên cần phải chuẩn bị trước về hướng tuyến, đo vẽ, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư…

 Đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu các tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu các tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp.

Nội dung 5: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân làm mất cơ hội về thu hút đầu tư vì không có mặt bằng để giới thiệu cho các nhà đầu tư.

Tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung vào hoàn thành quy hoạch và tập trung đầu tư 4 khu công nghiệp gồm: Võ Lao, Cam Cọn, Bản Qua, Cốc Mỳ - Trịnh Tường; các cụm công nghiệp ở thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Văn Bàn… Từ đó hình thành mặt bằng thu hút đầu tư.

Nội dung 6: Các dự án logistics

Hiện Lào Cai có 5 doanh nghiệp logistics nhưng manh mún, nhỏ lẻ, thu ngân sách ít, không kết nối được doanh nghiệp, không kết nối được ngành hàng.

Lào Cai phải tập trung đầu tư có mặt bằng khoảng 120 ha để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy kết nối ngành hàng, tăng giá trị xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Nội dung 7: Xây dựng nông thôn mới

Duy trì kết quả của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024. Trước mắt, sẽ công nhận xã Mường Hoa của thị xã Sa Pa trong tháng 7 này.

Nội dung 8: Nhà ở

UBND tỉnh chỉ đạo theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gần đây nhất Bí thư Tỉnh ủy cũng đã ký Nghị quyết số 50 về hỗ trợ làm nhà đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và người có công.

Đối với nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 phải xây dựng khoảng 3.200 căn, giai đoạn 2025 - 2030 phải xây dựng thêm 4.200 căn. Hiện tỉnh đã chấp thuận 2 dự án nhà ở xã hội với tổng số khoảng 4.700 căn; giai đoạn tới tiếp tục chấp thuận cho 3 dự án nữa để đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

UBND tỉnh cũng đã báo cáo Tỉnh ủy dành ra quỹ đất khoảng 70 ha để thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Có thể khẳng định xây dựng nhà ở xã hội đã được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Tỉnh cũng đang quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát với khoảng 8.000 căn thuộc 3 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công. Trong tháng 8, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giải quyết công việc phát sinh để ban hành Nghị quyết về định mức hỗ trợ.

Nội dung 9: Đẩy mạnh thực hiện Đề án 86 về quy chủ rừng cho tổ chức

UBND tỉnh sẽ triển khai mạnh mẽ đề án này, trước mắt là quy chủ rừng cho các tổ chức (11 tổ chức). Sau đó, tuyên truyền, vận động các hộ dân, nhất là những hộ có diện tích rừng nằm trong khu vực được hưởng chính sách bảo vệ dịch vụ môi trường rừng mà chưa chi trả được với số tiền khoảng 160 tỷ đồng. Làm sao vừa thực hiện được quy chủ rừng vừa thực hiện được giải phóng nguồn lực để người dân được hưởng tiền hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng.

Nội dung 10: Thu hút đầu tư các dự án và giám sát đầu tư

UBND tỉnh tiếp tục đưa ra các cơ chế, chính sách và tạo mặt bằng tiếp tục thu hút đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút đầu tư được khoảng 5.600 tỷ đồng, gấp 50 lần so với cùng kỳ năm 2023 nhưng so với yêu cầu đề ra và những đóng góp vào tăng trưởng từ thu hút đầu tư vẫn chưa đạt yêu cầu.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, UBND tỉnh sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp đó là:

Một là, đổi mới phương pháp điều hành, làm việc, phối hợp của các đơn vị, không né tránh. Với tinh thần không đùn đẩy trách nhiệm, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, sở, ban, ngành...

Hai là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Ba là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bốn là, tập trung cho cơ sở.

Năm là, chủ động thực hiện hiệu quả, đúng nguyên tắc, yêu cầu công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát với phương châm "phòng ngừa là chính".

 Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Với tinh thần cầu thị, UBND tỉnh xin lĩnh hội, tiếp thu toàn bộ ý kiến phản ánh của cử tri, ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, tạo nền tảng để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

(*) Đầu đề do Báo Lào Cai đặt

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ubnd-tinh-tap-trung-chi-dao-10-noi-dung-trong-6-thang-cuoi-nam-post386392.html