UBND tỉnh Thanh Hóa họp phiên thường kỳ tháng 7: Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 15.775 tỷ đồng.
Ngày 29-7, UBND tỉnh tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 7-2019 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và cho ý kiến vào một số dự thảo đề án, báo cáo quan trọng khác.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng kết luận hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019.
Theo báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019 của tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất 7 tháng ước đạt 9.022 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ; các ngành dịch vụ, thương mại, vận tải, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh. Trong tháng, Đoàn công tác cấp cao của tỉnh đã có chuyến làm việc, xúc tiến đầu tư tại Liên bang Nga thành công tốt đẹp. Số lượng dự án đầu tư trực tiếp, số doanh nghiệp được thành lập mới trong 7 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ. Chất lượng hoạt động văn hóa – xã hội được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Đồng chí Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: "Thanh Hóa có kết quả giáo dục mũi nhọn nằm trong top đầu của cả nước".
Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, khó khăn, như: bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phúc tạp; thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; một số sản phẩm công nghiệp (ô tô tải, clinker, gạch lát nền Vicenza) có sản lượng giảm so với cùng kỳ; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ nhiều dự án; nợ đọng bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp còn cao...
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhận định: Tình hình kinh tế- xã hội 7 tháng đầu năm và tháng 7 tuy có bước phát triển khá, song kết quả sản xuất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng và mức độ hoàn thành kế hoạch của tỉnh. Trong bối cảnh đó, các ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình kịp thời để có các giải pháp phù hợp.
Về nhiệm vụ, giải pháp tháng 8-2019, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt là việc thực hiện chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Rà soát phương án phòng chống bão lụt, tình hình dự trữ vật tư, thuốc men, phương tiện, kịp thời phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục thuế đánh giá lại tình hình thu, báo cáo Ban chỉ đạo để có giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2019; giao Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu làm rõ nguyên nhân tại sao chất lượng giáo dục đại trà thấp so với các tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các ngành, địa phương tập trung triển khai các chương trình, đề án của UBND tỉnh trong năm 2019, trước mắt là một số chương trình, đề án sẽ báo cáo HĐND tỉnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp giảm tai nạn giao thông và triển khai các biện pháp bảo đảm quốc phòng- an ninh năm 2019.
Đồng chí Đinh Cẩm Vân, Giám đốc Sở Tài chính cho ý kiến vào Đề án Giải phóng mặt bằng di dân tái định cư xã Hải Hà (Tĩnh Gia).
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để nghe UBND huyện Tĩnh Gia báo cáo nội dung đề án Giải phóng mặt bằng di dân tái định cư xã Hải Hà. Theo đó, xã Hải Hà là một trong những xã cần phải di dân 100% theo Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo mặt bằng phục vụ cho các ngành công nghiệp và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn xã đã tiến hành thu hồi tổng diện tích đất hơn 503 ha để phục vụ nhiều dự án trọng điểm, có tổng mức đầu tư và quy mô sử dụng đất lớn. Đối với gần 708 ha đất còn lại của xã Hải Hà cũng đang nằm trong vùng quy hoạch để thực hiện các dự án cảng biển đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chi tiết Cảng biển Nghi Sơn giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông- Vận tải phê duyệt. Do đó, việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho toàn bộ xã Hải Hà để bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án, ổn định đời sống nhân dân phải di dời là rất cần thiết.
Tổng dân số của xã Hải Hà (không bao gồm số hộ đã di chuyển tái định cư) có 2.777 hộ với 9.637 nhân khẩu. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đời sống kinh tế- xã hội, ảnh hưởng khi di dân đối với nhân dân xã Hải Hà và hiện trạng tái định cư trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, dự thảo đề án xác định vị trí thực hiện dự án thuộc địa bàn 2 xã Hải Bình và Xuân Lâm. Tổng diện tích khu tái định cư là 95 ha, gồm các khu chức năng: Bố trí quỹ đất trong khu tái định cư và các công trình công cộng; khu neo đậu tàu thuyền, khu nghĩa trang. Về tiến độ thực hiện đề án, dự kiến từ năm 2019 đến năm 2022 sẽ hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết để tổ chức triển khai thi công xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hoàn thành mặt bằng khu tái định cư và các hạng mục để tổ chức di dời dân và di chuyển tàu thuyền lên khu neo đậu trong quý IV năm 2022.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các ngành, phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Việc di dân xã Hải Hà là chủ trương lớn, rất cần thiết để triển khai thực hiện các dự án lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng như ổn định đời sống nhân dân trong xã. Trong quá trình xây dựng đề án, UBND huyện Tĩnh Gia đã tiến hành xin ý kiến nhân dân và các ngành khá chi tiết, cụ thể. Đồng chí đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung Đề án của UBND huyện Tĩnh Gia. Theo đó, đề án đã đánh giá bao quát được những ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng, đưa ra các phương án bảo đảm sinh kế, di dân nhưng người dân vẫn giữ được nghề cá vì hiện nay toàn xã có tới hơn 400 tàu thuyền đang hoạt động với khoảng 3.000 lao động. Đề án cũng đã chú trọng tổ chức các khu chợ dịch vụ chế biến nghề cá; bố trí tái định cư gần khu công nghiệp; rà soát, đưa ra phương án đào tạo nghề cho người dân. Tuy nhiên, đề án cần tính toán cụ thể hơn về diện tích khu tái định cư theo nhu cầu của nhân dân; tính toán lại vị trí neo đậu tàu thuyền; hỗ trợ việc chuyển đổi nghề cho ngư dân từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ, tại các ngư trường lớn; xác định được tổng kinh phí và tiến độ để hoàn chính cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có chính sách khuyến khích người dân tái định cư nơi khác ngoài khu tái định cư theo quy hoạch của đề án. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tĩnh Gia tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội nghị, hoàn chỉnh đề án, báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy và trình HĐND tỉnh xem xét để thông qua vào kỳ họp sắp tới.
Đồng chí Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương trình bày báo cáo sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa.
Đối với nội dung Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Lộc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đánh giá cao huyện Vĩnh Lộc và đơn vị tư vấn đã xây dựng quy hoạch khá tốt, đây là quy hoạch đạt yêu cầu, có thể phê duyệt. Tuy nhiên cần làm rõ thêm 3 động lực chính phát triển kinh tế xã hội của huyện là: Du lịch, nông nghiệp công nghiệp cao và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, cần hình thành các phân khu chức năng để phát huy lợi thế của địa phương theo từng vùng cụ thể. Đồng thời, rà soát cập nhập đầy đủ quy mô, hạ tầng, hiện trạng hệ thống giao thông các quy hoạch của các dự án đã được phê duyệt. Về giải pháp, cần đi sâu vào phát huy thế của các di tích, phát triển du lịch cộng đồng... Giải quyết tốt mối quan hệ giữa khai thác tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường và bảo vệ di tích. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, quản lý quy hoạch. Sở Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện lại quy hoạch báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Ngoài các nội dung trên, hội nghị cũng đã cho ý kiến vào báo cáo sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa.