UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm
Ngày 30-9, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 và công tác phòng, chống dịch COVID-19... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 30-9, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 và công tác phòng, chống dịch COVID-19; kết quả triển khai việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, 9 tháng đầu năm, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng; tỷ lệ người dân trên 18 tuổi trong tỉnh được tiếp cận với vắc-xin COVID-19 (mũi 1) đạt 17,08%. Tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các đơn vị, các ngành đã chi giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 449.841 lượt người với tổng số tiền là 10 tỷ 464 triệu 348 nghìn đồng; đã hỗ trợ cho 5 người sử dụng lao động vay trên 749 triệu đồng vốn trả lương ngừng việc cho 193 lao động; 1.429 người trong diện được hỗ trợ tổng số tiền là 2 tỷ 66,595 triệu đồng.
Một số chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,8%; tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 28,5%; thu ngân sách Nhà nước tăng 22%; sản lượng thủy sản tăng 6,6%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; đã kiểm soát dịch bệnh gia súc. Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã có 78 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Các công trình trọng điểm được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đã hoàn thành xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm, điều chỉnh vị trí việc làm theo quy định; triển khai việc sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục ổn định và phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế: Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản cao hơn so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm còn chậm như: tỉnh lộ 485B, Nhà máy điện rác Greenity Nam Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các cụm công nghiệp Thanh Côi, Yên Bằng… Việc xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại một số đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu. Kỷ cương hành chính ở một số ngành chưa cao. Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở một số địa phương có thời điểm còn lúng túng, thiếu chặt chẽ.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành nâng cao tinh thần chủ động, bình tĩnh, linh hoạt, bản lĩnh trong mọi tình huống; thường xuyên cập nhật những chỉ đạo, hướng dẫn mới và bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ người từ tỉnh ngoài về, chú trọng kiểm soát biến động dân cư, không để nguồn lây dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh. Đảm bảo lộ trình tiêm vắc-xin an toàn, hiệu quả, đúng quy định; kịp thời chi trả chế độ chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; chủ động hoàn tất sớm chương trình đào tạo năm học mới, ưu tiên kết thúc sớm các môn học trọng tâm nhằm chủ động ứng phó với tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Về nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, các ngành, các địa phương phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2021. Tiếp tục triển khai các Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện 4 Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án trọng tâm định hướng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng giai đoạn tiếp theo, nhất là các lĩnh vực: Thúc đẩy chế biến nông lâm thủy sản; đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản; phát triển đô thị; phát triển vật liệu xây dựng; thu gom, xử lý rác thải; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục sự nghiệp công lập; chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2022 để trình HĐND cùng cấp thông qua, tổ chức giao kế hoạch năm 2022 đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Tích cực giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng các dự án trọng điểm. Đảm bảo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ hiệu quả, phù hợp với quy định phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy