UBND xã cam kết hỗ trợ tiểu thương để tuyên truyền người dân không 'quay lưng' với thịt lợn
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chờ cho biết, sau khi các cơ sở giết mổ có giấy kiểm dịch lợn âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cán bộ thú y sẽ giám sát quá trình giết mổ của các cơ sở đến khi cơ sở tiêu thụ hết số lợn đã đăng ký kiểm dịch.
Chiều 4/7, UBND xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên của tỉnh Bến Tre vào ngày 1/7) đã tổ chức họp các tiểu thương, cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn.
Cuộc họp nhằm phổ biến các quy định, hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng có dịch tả lợn châu Phi; tìm giải pháp để các cơ sở có thể tiêu thụ được số lượng lợn còn; đồng thời vận động các cơ sở giết mổ làm cam kết không giết mổ, mua, bán lợn chưa có giấy kiểm dịch.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông có 12 cơ sở giết mổ lợn, trong đó có một cơ sở đã tiêu thụ hết số lợn trong lò mổ, còn 11 cơ sở vẫn còn tồn từ 3 - 11 con lợn.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, chỉ có 3 cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông đăng ký với ngành chức năng lấy mẫu lợn để xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi; các chủ cơ sở còn lại chấp nhận “neo” lợn chờ qua đợt “bão dịch”.
Bà Dương Thị Ngọc Rồi, chủ một cơ sở giết mổ cho biết cơ sở của bà còn 5 con lợn nhưng chiều nay bà không đăng ký lấy mẫu đưa đi kiểm dịch vì bà không có ý định mổ số lợn này để bán.
Theo bà Rồi thì thường ngày thịt lợn do cơ sở của bà giết mổ không chỉ tiêu thụ trên địa bàn xã mà còn phân phối cho các tiểu thương ở các xã lân cận. Nhưng giờ có quy định lợn vùng dịch không được đưa sang các xã khác nên cơ sở không giết mổ nữa vì sẽ không tiêu thụ hết lượng thịt.
Nỗi lo của bà Rồi cũng là nỗi lo của nhiều chủ cơ sở giết mổ khác bởi lẽ trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông bình quân mỗi ngày có khoảng 11 con lợn được giết mổ, ước khoảng 11 tạ thịt lợn được đưa ra thị trường tiêu thụ. Số lượng thịt này theo các tiểu thương thì không thể tiêu thụ hết trên địa bàn xã.
Ông T. chủ một cơ sở giết mổ cho biết vài tháng trước, người dân mới vừa “ăn” lại thịt lợn sau đợt dịch lợn tai xanh xảy ra trên địa bàn xã thì giờ đến dịch tả lợn châu Phi. Chủ cơ sở này lo ngại rằng người dân sẽ lại “quay lưng” với thịt lợn thì có bán cũng không có người mua. Do đó, ông T. tiếp tục giữ lợn lại trong chuồng để nuôi, không đăng ký kiểm dịch và không giết mổ.
Còn bà A. một chủ cơ sở giết mổ khác thì phân vân nếu mổ lợn bán lúc này thì sợ không có người mua và còn bị lỗ vì giá lợn đang xuống mức chỉ 2,5 triệu đồng/tạ, (trước đó bà A. mua lợn với giá 3,3 triệu đồng/tạ). Nhưng nếu không mổ bán, giữ lợn lại trong chuồng thì sợ dịch lây lan, lợn chết cũng bị lỗ.
Trong khi đó, cơ sở giết mổ của chị Nguyễn Thị Nhanh còn 11 con lợn chưa giết mổ. Chị Nhanh đăng ký để cơ quan chức năng lấy mẫu đưa đi kiểm dịch để cơ sở chị sớm được cấp giấy chứng nhận đàn lợn của cơ sở âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và chị có thể giết mổ lợn bán.
Chị Nhanh cũng kiến nghị UBND xã nên hỗ trợ các cơ sở giết mổ tuyên truyền để người dân không “làm ngơ” với thịt lợn đã được kiểm dịch âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, yên tâm sử dụng thịt lợn an toàn.
Theo quy định xã đã công bố dịch tả lợn châu Phi thì không được vận chuyển, giết mổ lợn, thịt lợn khi chưa có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Cơ sở muốn giết mổ lợn phải đăng ký với trạm thú y huyện để đề xuất lên Chi cục Chăn nuôi và thú y lấy mẫu gửi xét nghiệm. Các cơ sở có giấy kiểm dịch lợn âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì vẫn được giết mổ bình thường và chỉ được tiêu thụ trong phạm vi toàn xã.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chờ cũng cho biết, sau khi các cơ sở giết mổ có giấy kiểm dịch lợn âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cán bộ thú y sẽ giám sát quá trình giết mổ của các cơ sở đến khi cơ sở tiêu thụ hết số lợn đã đăng ký kiểm dịch.
Ông Nguyễn Văn Chờ cũng cam kết UBND xã Thạnh Phú Đông sẽ hỗ trợ các tiểu thương để tuyên truyền cho người dân không “quay lưng” với thịt lợn. UBND xã cũng sẽ phát thanh rộng rãi trên toàn xã những cơ sở nào có giấy kiểm dịch thịt lợn âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân an tâm.
Đồng thời, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông cũng kêu gọi người dân trên địa bàn xã sử dụng thịt lợn của các cơ sở đã được cấp giấy kiểm dịch là tạo điều kiện cho thịt lợn được tiêu thụ, đồng thời chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi trên địa bàn xã trong đợt dịch này.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội, tính đến chiều 4/7, trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi.